Ruồi nhuế Nam Cực chỉ dài 2 - 6 mm, có thể sinh tồn ở mức nhiệt -15 độ C và vẫn sống khi bị đông cứng suốt 9 tháng. Ruồi nhuế Nam Cực có khả năng sinh tồn trong môi trường lạnh giá. Ảnh: Igor Gvozdovsky Châu Nam Cực là một trong những nơi có môi trường khắc nghiệt nhất Trái Đất. Do đó, những loài vật sống ở đây cũng có khả năng sinh tồn mạnh mẽ. Hải cẩu và chim cánh cụt có thể nổi tiếng hơn, nhưng chúng không phải sinh vật trên cạn lớn nhất tại châu lục này. Danh hiệu đó thuộc về ruồi nhuế Nam Cực (Belgica antarctica). Dù chỉ dài 2 - 6 mm, chúng là sinh vật bản địa sống trên cạn toàn thời gian lớn nhất châu Nam Cực. Chim cánh cụt và hải cẩu không phải những "cư dân" toàn thời gian. Đa số các loài chim cũng đến và đi theo mùa, dành phần lớn thời gian hoạt động ngoài biển. Điều khác thường là trong khi đa số các loài ruồi nhuế bay xung quanh quấy nhiễu con người và hút máu, ruồi nhuế Nam Cực không bay và cũng không đốt. Chúng đã hoàn toàn loại bỏ cánh như một chiến lược sinh tồn ấn tượng nhằm đối phó với gió mạnh vùng cực. Ruồi nhuế Nam Cực cũng sở hữu nhiều năng lực thích nghi như sống sót ở mức nhiệt -15 độ C, mất 70% chất lỏng trong cơ thể và sống một tháng mà không cần oxy. Chúng vượt qua mùa đông bằng cách tích lũy đường như một chất chống đông tự nhiên, và khiến cơ thể mất nước để ngăn tinh thể băng hình thành bên trong tế bào. Ruồi nhuế Nam Cực thậm chí có thể sống sót khi bị đông cứng suốt 9 tháng. Kết quả là, loài vật nhỏ bé này mất hai năm để hoàn thành toàn bộ vòng đời, phần lớn ở dạng ấu trùng. Ấu trùng chủ yếu ăn vi khuẩn, rêu tảo và phân chim cánh cụt. Nghiên cứu chỉ ra, ấu trùng có thể sống sót qua nhiều mức hạ nhiệt bằng cách giữ ấm dưới một lớp "chăn tuyết". Trong điều kiện phòng thí nghiệm, chúng sử dụng chiến lược đông cứng lạnh nhanh để bảo vệ cơ thể khi nhiệt độ giảm nhanh chóng. "Bằng chứng từ những nghiên cứu trước đây cho thấy ruồi nhuế Nam Cực đã tồn tại trên lục địa này từ thuở sơ khai. Chúng là một hình mẫu tốt để chúng ta tìm hiểu về lịch sử châu Nam Cực và để các nhà khoa học dự đoán cách lục địa này phản ứng với biến đổi khí hậu", nhà nghiên cứu Nick Teets tại Đại học Kentucky cho biết. Ruồi nhuế Nam Cực là chuyên gia sinh tồn trong những điều kiện ở châu Nam Cực, nhưng những điều kiện đó đang thay đổi. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy, loài vật này chịu ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường ấm lên và có thể gặp nguy hiểm khi nhiệt độ thế giới tiếp tục tăng. Thu Thảo (Theo IFL Science) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress