Hà NộiSau khi tiêm hai ống thuốc gây tê để nhổ răng, người đàn ông 66 tuổi hoa mắt, chóng mặt, run chân tay, được chẩn đoán ngộ độc thuốc tê. Sự việc xảy ra hôm 29/7, tại một phòng khám nha khoa tư nhân. Sau đó, ông được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, được kíp trực lập tức truyền thuốc giải độc. Hiện, bệnh nhân được theo dõi tại Khoa Dị ứng. BSCKI Lê Đức Duẩn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 108, cho biết trường hợp trên may mắn được cấp cứu đúng cách và kịp thời nên tránh được những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thuốc tê luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Vì vậy, việc hiểu biết những dấu hiệu và biện pháp cấp cứu là rất quan trọng, giúp giảm nguy cơ. Thuốc tê là loại thuốc dùng để ức chế tạm thời các đường dẫn truyền thần kinh, giúp giảm cảm giác đau nơi gây tê. Hiện, thuốc này được sử dụng phổ biến, từ các thủ thuật thực hiện tại các cơ sở y tế bên ngoài bệnh viện như nhổ răng, tiểu phẫu vết thương... đến các thủ thuật, tiểu phẫu thuật thực hiện tại bệnh viện như đặt catheter, chọc ống sống thắt lưng, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ... Tình trạng ngộ độc thuốc này xảy ra nhiều hơn gần đây do thủ thuật không được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên ngành gây mê - hồi sức. Nhóm nguy cơ cao là trẻ em dưới 6 tháng tuổi; bệnh nhân thể trạng nhỏ, tuổi cao, suy yếu, suy tim, thiếu máu cơ tim, bệnh gan. Dấu hiệu ngộ độc thuốc tê ở hệ thần kinh trung ương là kích thích (bồn chồn, lo lắng, kêu la, giật cơ, co giật); ức chế (ngủ gà, hôn mê hoặc ngừng thở); không đặc hiệu (miệng có vị kim loại, tê quanh miệng, nhìn đôi, ù tai, chóng mặt). Ở hệ tim mạch: Tăng huyết áp, mạch nhanh, loạn nhịp thất, nhịp tim chậm, loạn nhịp thất... Các triệu chứng ngộ độc trên lâm sàng có thể xuất hiện chậm sau 30 phút hoặc muộn hơn. Vì vậy, cần giao tiếp thường xuyên với bệnh nhân để phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc. Khi xảy ra ngộ độc, cần đến các cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời. Lê Nga Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress