Báo cáo Triển vọng Dân số năm 2024 của Liên Hợp Quốc dự báo dân số Trung Quốc vào năm 2100 có thể giảm một nửa so với hiện tại. Theo đó, đến năm 2100, dân số Trung Quốc có thể quay trở lại mức tương đương những năm 1950, là gần 700 triệu người. Hiện dân số nước này là hơn 1,4 tỷ người. Sự suy giảm diễn ra do Trung Quốc có ít phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, người dân kết hôn muộn và xu hướng không sinh con ngày càng phổ biến. Báo cáo cho thấy nước này "có khả năng ghi nhận mức giảm dân số tuyệt đối lớn nhất (204 triệu người) kể từ năm 2024 đến năm 2054", đứng trên Nhật Bản và Nga. Ấn Độ đã thay thế Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào tháng 4/2023. Các nhà nhân khẩu học từng kỳ vọng vào sự phục hồi tỷ lệ sinh ngắn hạn trong vài năm tới, khi tác động của Covid-19 giảm bớt, hàng loạt chính sách khuyến sinh được ban hành và xu hướng đẻ con năm Thìn. Tuy nhiên, theo dự đoán dài hạn, số ca sinh sẽ tiếp tục giảm. Tỷ lệ sinh toàn cầu hiện ở mức 2,25 trẻ em trên một phụ nữ, con số để duy trì quy mô dân số ổn định là 2,1 trẻ em trên một phụ nữ. Trung Quốc, cùng với gần 20% quốc gia khác ghi nhận chưa đến 1,4 ca sinh trên mỗi phụ nữ, theo Liên Hợp Quốc. Đây được nhận định là con số "cực thấp". Một cặp vợ chồng Trung Quốc đưa con đi chơi tại công viên. Ảnh: Bloomberg Ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc chỉ ra rằng tỷ lệ sinh tổng thể toàn quốc đã giảm xuống còn 1,09 vào năm 2022. Tỷ lệ sinh tổng thể ở Thượng Hải, một trong những thành phố giàu nhất nước giảm xuống còn 0,6 vào năm 2023, theo chính quyền thành phố. Một trong những nguyên nhân khiến dân số Trung Quốc giảm là chính sách một con kéo dài nhiều thập kỷ. Chính sách này nhằm hạn chế sự gia tăng dân số và kích thích bùng nổ kinh tế. Cuối cùng, nó dẫn đến tỷ lệ sinh thấp và dân số già. Covid-19 kéo dài hơn hai năm cũng làm giảm tỷ lệ sinh. Đại dịch khiến đất nước phải phong tỏa, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, sức khỏe và tâm lý của nhiều người. Stuart Gietel-Basten, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết người Trung Quốc đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế do đại dịch gây ra cũng như những thách thức khi làm việc tại nhà. Vì vậy, lập gia đình trong hoàn cảnh này càng thêm khó khăn. Phụ nữ liên tục trì hoãn kế hoạch sinh con hoặc lấy chồng. Theo nghiên cứu Pew, số người di cư khỏi Trung Quốc sau mỗi năm lớn hơn, cũng khiến dân số giảm. Kể từ năm 1960, khi Liên Hợp Quốc bắt đầu tổng hợp số liệu thống kê, Trung Quốc đã có số lượng người di cư ròng âm - tức số người rời khỏi đất nước cao hơn số người đến nhập cư. Năm 2021, nước này có khoảng 200.000 người di cư. Con số này giảm so với đầu những năm 1990, khi khoảng 750.000 người rời Trung Quốc mỗi năm. Liên Hợp Quốc dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục trải qua tình trạng di cư ròng âm ít nhất đến năm 2100, ước tính khoảng 310.000 người rời khỏi đất nước mỗi năm. Thục Linh (Theo SCMP) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress