Phú ThọBé gái 5 tuổi liên tục đại tiện ra máu, bác sĩ phát hiện khối polyp ở đại tràng và trực tràng gây nguy hiểm. Ngày 27/7, đại diện Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết bệnh nhi mệt mỏi, da nhợt nhạt, trước đó được bác sĩ cơ sở y tế tuyến dưới tiêm cầm máu, truyền đường. Xét nghiệm cho thấy bé bị thiếu máu nghiêm trọng, được truyền khối hồng cầu. Nội soi dạ dày, đại tràng phát hiện một polyp kích thước 3 cm có cuống, bề mặt xung huyết, trực tràng có một polyp kích thước 0,8 cm. Ê kíp cắt hai polyp, cầm máu cho bệnh nhi, tiếp tục theo dõi và điều trị. Bác sĩ điều trị cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Trẻ nhỏ đi ngoài ra máu do táo bón, polyp ở đại trực tràng hoặc một số bệnh lý khác. Các polyp ở đại tràng và trực tràng (đặc biệt là loại có cuống) dễ bị chảy máu khi phân đi qua. Vì thế, biểu hiện hay gặp ở nhiều trẻ là đi ngoài ra máu dù không bị táo bón. Nhiều trường hợp nội soi đại tràng phát hiện polyp lớn. Polyp đại trực tràng nếu không điều trị kịp thời sẽ diễn biến phức tạp, thậm chí phát triển lớn gây tắc ruột hoặc tiến triển thành ung thư. Một số trường hợp polyp to có thể tự đứt, gây chảy máu cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Như bé gái này, polyp kích thước lớn là nguyên nhân chính gây xuất huyết tiêu hóa. Các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ đi ngoài ra máu tươi kéo dài, có cảm giác đau, cần đưa đến bệnh viện điều trị. Thúy Quỳnh Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress