Từ người trầm cảm nặng thành chuyên gia tâm lý

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jul 24, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 81)

    TP HCMBố mẹ ly hôn, thường xuyên thay đổi chỗ ở, bị cô lập ở trường học, khiến Giang trầm cảm nặng, cũng là động lực để chị chữa lành, trở thành nhà trị liệu tâm lý.


    Giang Kate (Nguyễn Hương Giang), 41 tuổi, hiện là nhà tham vấn tâm lý và nhà trị liệu thôi miên. Chị xuất bản cuốn sách Trong ta rồi sẽ lành lại năm 2021, tự sự về hành trình chữa bệnh trầm cảm, mong muốn truyền cảm hứng đến những người đồng cảnh ngộ.

    Theo Medical Daily, trầm cảm là một rối loạn tâm trạng, đặc trưng bởi sự kéo dài cảm giác buồn bã, mất hứng thú với hoạt động yêu thích trước đây cùng khả năng hoàn thành công việc thường nhật trong ít nhất hai tuần. Trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Mỗi năm, khoảng 850.000 người chết vì căn bệnh này, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiện, trầm cảm, rối loạn lo âu hiện len lỏi trong xã hội Việt Nam với ước tính khoảng gần 6 triệu người mắc bệnh, theo thống kê năm 2022.

    Năm 2012, Giang làm việc cho một doanh nghiệp ở Hà Nội, thu nhập cao, cuộc sống đủ đầy với các thú vui nhưng lại rơi vào trầm cảm. Chị thường xuyên buồn chán, thiếu năng lượng, không ngủ, không ăn, cân nặng từ 49 kg còn 43 kg. Bác sĩ chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật, song không có phương pháp điều trị.

    Ban đầu, người phụ nữ không biết những triệu chứng trên lại là bệnh trầm cảm. Ban ngày, khi gặp khách hàng, đồng nghiệp, chị vẫn tươi cười và hoàn thành công việc. Nhưng mỗi tối, trong đầu chị lại xuất hiện ý nghĩ "giá như ngày mai mình không tỉnh dậy nữa". Giang dần trở nên thu mình, không muốn đến những chỗ đông người. Chị thường đi phượt với bạn bè vào cuối tuần để thoát khỏi cảm giác ngột ngạt nhưng vẫn cảm thấy tồi tệ.

    Dần dần, suy nghĩ "ước gì ngày mai mình không tỉnh dậy nữa" xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Chị hình dung những kịch bản về việc kết thúc cuộc đời. Khi ấy, Giang quyết định cần phải nói điều này với bạn thân. Dù người bạn lắng nghe, chia sẻ nhưng cũng không thể hiểu và giúp đỡ. Giang ngày càng hoang mang, hoài nghi về bản thân, tâm trạng thất thường, trầm buồn, hay khóc, dễ bùng nổ và sụt cảm xúc.

    Sau này, khi trải qua quá trình học và nghiên cứu về tâm lý, Giang phát hiện nguyên nhân gây trầm cảm cho bản thân đến từ những sang chấn tuổi thơ. Bố mẹ ly hôn lúc chị 10 tuổi, Giang ở với mẹ, em trai ở với bố. Những cuộc gặp gỡ rồi chia tay với bố và em trai, rồi Giang xa mẹ để vào TP HCM sống với bác ruột hai năm, cảm giác bị cô lập ở lớp, trường...

    "Tôi cô đơn, mất kết nối với người thương yêu gần nhất, là những nhân tố cộng hưởng âm thầm gây ra những vấn đề tâm lý sau này", chị chia sẻ. Sự cô đơn khiến người phụ nữ lớn lên với tính cách độc lập, kèm cơ chế phòng vệ né tránh, không muốn gắn kết trong mối quan hệ thân mật.

    Năm 26 tuổi, khi mối tình sâu sắc tan vỡ, một lần nữa kích hoạt cảm giác cô đơn, mất kết nối trong chị. Lần này, như giọt nước tràn ly, Giang muốn tự sát.

    Thực tế, trẻ phải trải qua tuổi thơ bất lợi như bố mẹ ly hôn là một trong nguyên nhân quan trọng gây trầm cảm, theo thạc sĩ tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos.

    Khi gia đình tan vỡ, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý như thay đổi của cảm xúc, tâm trạng, sự gia tăng của các dấu hiệu trầm cảm, lo âu, sử dụng chất, nguy cơ tự tử cũng như các vấn đề kết nối trong cuộc sống. Đơn cử, một tuổi thơ bất hạnh có thể thay đổi các yếu tố sinh học, khiến hệ thống điều hòa cortisol của cơ thể trục trặc, gây stress mãn tính. Bên cạnh đó, những trải nghiệm quá khứ bất lợi khiến trẻ phát triển niềm tin lệch lạc về bản thân, gia đình, bạn bè và tương lai, luôn cảm thấy tiêu cực và bất lực trước những thách thức cuộc sống.

    Hai nhà tâm lý Joan B.Kelly ở Corte Madera và Robert E. Emery, Đại học Virginia (Mỹ), trong một bài báo đã kết luận những người lớn lên trong cảnh cha mẹ ly hôn có xu hướng gặp khó khăn với các mối quan hệ, khó thân thiết với người khác khi còn trẻ, dễ thất vọng với hôn nhân, tỷ lệ ly hôn cao hơn.

    [​IMG]

    Có những thời điểm trong đời, Giang rơi vào trạng thái trống rỗng, vô nghĩa và muốn kết thúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp


    Cuối cùng, sau một thời gian đấu tranh tâm lý, chị quyết định chuyển đến Singapore đầu năm 2014. Cuộc sống ở xứ người với công việc thu nhập cao, lập gia đình, sinh con là khoảng thời gian để Giang lắng lại. Tuy nhiên, chị nhận thấy đây là niềm hạnh phúc từ bên ngoài mang tới, còn bên trong tâm hồn vẫn ẩn nấp bóng dáng của sự trống rỗng, vô nghĩa. "Sâu thẳm trong tôi khi đó vẫn có cảm giác đau đớn vô hình chưa thể gọi tên", chị nói.

    Giang bắt đầu tìm học tâm lý, tham gia khóa học trị liệu thôi miên, thực hành tĩnh lặng với mong muốn tìm được lời giải đáp và sự bình an nội tâm. Dần dần, chị thay đổi công việc, trở thành một nhà tham vấn tâm lý, mong muốn có thể hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ.

    Giang tốt nghiệp chương trình Sau đại học về Tham vấn Tâm lý (Postgraduate Diploma in Counselling Psychology) của trường đại học College of Allied Educators Singapore. Năm 2018, chị chuyển cả gia đình về Việt Nam, mở văn phòng riêng và thực hành công việc tham vấn tâm lý.

    [​IMG]

    Giang Kate chia sẻ chị vẫn đang là người thực hành và hành trình của chị vẫn đang tiếp tục. Ảnh: Nhân vật cung cấp


    Khi hiểu được lý do bệnh trầm cảm, chị thực hành trị liệu tha thứ cho bản thân và những người đã làm tổn thương, gây dấu ấn tiêu cực vào tiềm thức. Những ẩn ức tích lũy từ tuổi thơ đau buồn được thanh lọc và cất vào một góc. Khả năng quản lý căng thẳng cũng cải thiện.

    Giang chia sẻ bên cạnh biến cố mất người thân, bị lạm dụng tình dục, bạo hành, trải qua thiên tai, cha mẹ nghiện ngập, chiến tranh..., thì căn nguyên của những nỗi đau, rối loạn, mất cân bằng tâm lý phần lớn đến từ việc sống trong môi trường căng thẳng thường xuyên, kéo dài, lặp đi lặp lại.

    Khi còn nhỏ, chúng ta không có khả năng tự chăm sóc, phải phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, trường học. Môi trường sống này có thể ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực, để lại những dấu ấn tốt đẹp hoặc tổn thương trong não bộ, cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin và hành vi.

    Trong quá trình lớn lên, trẻ có thể trải qua việc cha mẹ ly hôn, bạn bè tẩy chay, chia tay người yêu, thất bại trong thi cử... dẫn đến căng thẳng. Khi phải một mình chống chọi, không có sự hỗ trợ, lắng nghe, giải đáp thắc mắc, trấn an, vỗ về tâm lý kịp thời và phù hợp, trẻ có thể bị tổn thương tâm lý nặng hơn và ảnh hưởng kéo dài.

    Hiện Giang đã thoát bệnh trầm cảm, nhưng đôi lúc chị vẫn gặp một số tổn thương. Nhờ kiến thức về tâm lý, chị biết chữa lành các nỗi đau, thêm hiểu mình, hiểu người thân xung quanh. "Vết thương tinh thần cũng xứng đáng được chăm sóc như vết thương thể chất", Giang nói, thêm rằng nhờ hành trình chữa trầm cảm, chị tìm được ý nghĩa sống, mong muốn dùng kiến thức cũng như trải nghiệm giúp được nhiều người.

    Mỹ Ý


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Từ người trầm cảm nặng thành chuyên gia tâm lý

Share This Page