6 lá cờ cắm trên bề mặt Mặt Trăng trong chương trình Apollo hứng chịu ánh sáng Mặt Trời và mối nguy hiểm từ thiên thạch hàng chục năm qua. Phi hành gia Neil Armstrong của nhiệm vụ Apollo 11 được người bạn đồng hành Buzz Aldrin chụp ảnh sau khi cắm cờ trên Mặt Trăng vào tháng 7/1969. Ảnh: NASA Cách đây 55 năm, vào ngày 20/7/1969, lá cờ Mỹ đầu tiên được dựng lên trên Mặt Trăng trong chuyến đi bộ kéo dài 2,5 tiếng của hai phi hành gia NASA Neil Armstrong và Buzz Aldrin. Quá trình cắm cờ diễn ra trong khoảng 10 phút, trở thành một trong những cột mốc đáng nhớ nhất của nhiệm vụ Apollo 11. Các kỹ sư NASA đã gặp nhiều thách thức kỹ thuật khi thiết kế cột cờ. "Họ thiết kế cột cờ gắn thêm thanh ngang để lá cờ 'bay' mà không cần gió, giúp khắc phục tác động của việc thiếu lớp khí quyển dày. Những yếu tố khác được tính đến khi thiết kế là trọng lượng, khả năng chịu nhiệt và tính dễ lắp ráp với phi hành gia bị hạn chế chuyển động và khả năng cầm nắm đồ vật do mặc bộ đồ vũ trụ", Anne Platoff, nhà sử học kiêm chuyên gia nghiên cứu cờ tại Đại học California Santa Barbara, giải thích. Trong cuộc họp kỹ thuật của phi hành đoàn, Armstrong và Aldrin báo cáo một số vấn đề với việc cắm cờ. Họ gặp sự cố khi kéo thanh ống lồng nằm ngang phía trên lá cờ và không thể kéo dài nó hết cỡ. Tuy nhiên, điều này mang lại một chút "hiệu ứng gợn sóng" sống động cho lá cờ. Các phi hành đoàn sau đó đã cố tình để thanh ngang thu vào một phần theo cách tương tự. Phi hành đoàn Apollo 11 cũng cho biết, họ chỉ có thể cắm cột cờ xuống bề mặt Mặt Trăng khoảng 15 - 23 cm. "Ngay bên dưới bề mặt giống bột là lớp đất đá rất chắc. Chúng tôi chỉ cắm được cột cờ xuống vài inch (1 inch bằng 2,54 cm). Nó trông không vững chắc lắm", Aldrin kể lại. Các chuyên gia cũng không chắc lá cờ vẫn đứng vững hay đã bị luồng khí động cơ thổi ngã khi tàu Apollo 11 cất cánh trở về Trái Đất. Tháng 12/1972, phi hành gia Eugene Cernan của nhiệm vụ Apollo 17 cắm lá cờ Mỹ trên Mặt Trăng. Ảnh: NASA 6 lá cờ Mỹ mà các phi hành gia Apollo cắm trên Mặt Trăng có kích thước không đồng nhất. Lá cờ trong nhiệm vụ Apollo 11 làm bằng nylon, có kích thước khoảng 91 x 152 cm và được mua với giá 5,5 USD tại thành phố Houston. Trong khi đó, lá cờ cắm trên Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo 17, nhiệm vụ Mặt Trăng cuối cùng của chương trình Apollo, đặc biệt hơn một chút. Nó đã được trưng bày tại Phòng Điều khiển Hoạt động Nhiệm vụ trong các nhiệm vụ Apollo khác. Sau đó, hai phi hành gia Eugene Cernan và Jack Schmitt đã cắm lá cờ này lên Mặt Trăng vào tháng 12/1972. Vậy tình trạng những lá cờ đó ngày nay như thế nào? Kể cả khi chúng vẫn đứng vững khi phi hành đoàn phóng tàu rời khỏi Mặt Trăng, thì gần như chắc chắn chúng không còn giống như lúc mới cắm. "Nhiều khả năng phần nylon của lá cờ đã xuống cấp do tiếp xúc lâu với ánh sáng Mặt Trời", Platoff nhận định. Hiện tượng này gọi là "sun rot" (mục nát do Mặt Trời). "Một điều mà tôi thường xuyên thấy trong những bài phân tích là các lá cờ sẽ bị tẩy trắng do tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời. Dù điều này xảy ra với một số lá cờ trên Trái Đất, tôi không chắc về quá trình hóa học liên quan và liệu điều đó có xảy ra trong môi trường Mặt Trăng hay không", Platoff nói thêm. Tuy nhiên, các lá cờ trên Mặt Trăng có thể đã trở nên giòn và phân rã theo thời gian. Một mối đe dọa khác đối với chúng là những thiên thạch dội xuống Mặt Trăng, nơi không có khí quyển dày để bảo vệ như Trái Đất. Thu Thảo (Theo Space, NASA) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress