Bệnh gout xảy ra do lắng đọng urat natri trong các khớp, tăng acid uric máu vượt quá điểm bão hòa, do đó có thể chữa khỏi bệnh bằng cách hòa tan lắng đọng và hạ thấp acid uric. Mục tiêu điều trị bệnh gout là làm biến mất các triệu chứng. Bệnh có thể chữa khỏi bằng cách hòa tan các lắng đọng urat thông qua điều trị hạ acid uric máu, bằng nhiều phương pháp, thuốc sẵn có hiện nay. Tiêu chí khỏi bệnh, theo Liên đoàn chống các bệnh thấp khớp châu Âu (EULAR), là hết các cơn gout cấp, không còn tophi, siêu âm âm tính. "Sau khi chữa khỏi, bệnh nhân duy trì uống thuốc hạ nồng độ acid uric máu suốt đời sẽ không còn tái phát bệnh gout", giáo sư Thomas Bardin, Viện sĩ hàn lâm y khoa Pháp, nói tại lễ ký kết gia hạn thỏa thuận hợp tác nghiên cứu giữa Viện Gút, Trường ĐH Paris Cité (Pháp) và Trường ĐH Y Dược TP HCM, ngày 20/7. Gout là một bệnh chuyển hóa đặc trưng bằng những đợt viêm khớp cấp tái phát và lắng đọng urat trong các mô, gây ra do tăng acid uric máu. Ban đầu, người bệnh thường tăng acid uric máu rồi lắng đọng urat không triệu chứng, nếu không kiểm soát tốt có thể tiến triển thành các cơn gout cấp, bệnh gout mạn tính. Khi lên cơn cấp tính, các khớp bị đột ngột sưng đỏ, nóng rát, đau nhức dữ dội "không thể chịu đựng nổi". Bệnh không được điều trị trong thời gian dài sẽ nặng hơn, với các cơn đau thường xuyên kéo dài. Không ít người vào viện khi các cục tophi đã rất to, mất chức năng vận động, suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống. Người mắc bệnh gout thường đi kèm nhiều bệnh lý như thừa cân, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch, suy thận... Bệnh nhân dễ tử vong sau các cơn đau gout do biến cố tim mạch, đột quỵ. "Đa số mọi người nghĩ bệnh gout không thể chữa khỏi nên thường bỏ cuộc, không điều trị đến nơi đến chốn, khiến tình trạng ngày càng nặng", giáo sư Thomas nói. Giáo sư Thomas Bardin phát biểu tại lễ ký kết hợp tác, chiều 20/7. Ảnh: Anh Dương Quá trình điều trị thường thất bại nếu bệnh nhân không tuân thủ lâu dài, hoặc sợ tác dụng phụ, ngừng điều trị ngay khi triệu chứng cải thiện. Điều này đòi hỏi bác sĩ phải tư vấn, giải thích phù hợp với bệnh nhân. Hơn nữa, đa số bệnh nhân không chỉ bị bệnh gout mà còn mắc kèm rất nhiều bệnh lý khác, đòi hỏi điều trị toàn diện, kết hợp cùng lúc trong tổng thể bệnh lý khác. Chủ tịch Viện Gút Nguyễn Đình Quang cho biết từ năm 2014, nơi này phối hợp cùng các nhà khoa học Pháp nghiên cứu phương pháp phối hợp giữa điều trị hạ nồng độ acid uric máu và biện pháp điều hòa miễn dịch bằng các hoạt chất thiên nhiên cho những bệnh nhân gout bị biến chứng nghiêm trọng. Những năm qua, nhiều người đã khỏi bệnh, tiêu hết các cục tophi và hết tái phát viêm đau khớp gout cấp. Đến nay, hơn 20 nghiên cứu về kết quả điều trị biến chứng của bệnh gout của nhóm được công bố trên các tạp chí uy tín ở châu Âu và Mỹ, góp thêm bằng chứng trong điều trị biến chứng của bệnh gout với y khoa thế giới. "Người khỏi bệnh gout có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường, chỉ cần theo dõi nồng độ acid uric và dùng thuốc hạ nồng độ này mỗi ngày để ngăn tái phát", ông Quang nói. Bệnh nhân gout khám bởi nhiều cục tophi gây đau đớn. Ảnh: Anh Dương Điều trị bệnh gout thường được chia thành ba giai đoạn, gồm điều trị tấn công trong giai đoạn cấp (mục tiêu giảm đau, hạ acid uric), giai đoạn điều trị duy trì để tiêu hết tinh thể với nồng độ urat thấp và sau đó là dự phòng để bảo vệ cho người bệnh suốt đời không bị gout. Quá trình điều trị, phải áp dụng một số biện pháp như chế độ ăn không rượu bia, không quá nhiều đạm, hạn chế vận động nặng nếu tràn dịch khớp, đến khi tophi rã hết. Nếu không kiểm soát tốt, bệnh tái phát phải quay lại điều trị từ đầu sẽ rất vất vả. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress