Nghệ AnThấy chiếc xe máy vụt qua chở theo một bé trai người ướt sũng, tím tái, bác sĩ Hậu liền phóng xe đuổi theo hỗ trợ can thiệp ép tim, hô hấp, cứu trẻ thoát cửa tử. Sáng 19/7, bác sĩ Phan Nhân Hậu, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương, đi xe máy chở vợ ngang qua khu vực xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, chợt thấy chiếc xe máy trên chạy vụt lên như gió. Trên xe, một người đàn ông chở một phụ nữ đang hốt hoảng bế cháu bé nằm sấp với tư thế tay thõng xuống. "Có thể cháu bị hóc dị vật đường thở, đuối nước hoặc tình huống cấp cứu khác", bác sĩ Hậu nhớ lại phỏng đoán ngay lúc ấy. Anh liền tăng ga cố gắng đuổi theo, bởi "một giây lúc đấy cũng quý hơn vàng". Chiếc xe máy dừng lại ở trạm y tế xã. Ngay phía sau, bác sĩ Hậu cũng dừng lại, hớt hải vừa xắn tay áo vừa đi thẳng vào khu cấp cứu. Lúc này, bé đã ngừng tim, ngừng thở do đuối nước, không còn phản xạ sự sống, đồng tử giãn và rất nhiều dịch cùng thức ăn trào qua miệng mũi. Bác sĩ liền dùng miệng hút hết đờm, dịch, nước... cho bé nhằm khai thông đường thở. Anh liên tục ép tim, hà hơi, thổi ngạt, tiêm thuốc "song không dám kỳ vọng nhiều". May mắn, sau 30 phút hô hấp nhân tạo liên tục, bé đã có nhịp tim, nhịp thở, dấu hiệu hồng hào hơn. "Giây phút nghe được tiếng tim em bé trở lại, tôi bất giác chảy nước mắt, tay nổi da gà vì sung sướng, hạnh phúc tột độ", bác sĩ nói. Bác sĩ Hậu gọi điện cho Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, yêu cầu chuẩn bị cấp cứu rồi chuyển bé đến. Tại bệnh viện huyện, trẻ được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Bé trai hai tuổi đang được hồi sức tích cực, thở máy và dùng hạ thân nhiệt chỉ huy. Các y, bác sĩ đang nỗ lực để cứu sống cháu bé. Bác sĩ Hậu, Trưởng khoa Ngoại - Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương. Ảnh: Nhân vật cung cấp Các bác sĩ cho biết sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân gây tử vong là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa khoảng 4-5 phút, nếu quá giới hạn này, não sẽ tổn thương không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim, cần phải thổi ngạt, ép tim ngay lập tức. Tuyệt đối không dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy, làm các dịch dạ dày trào ngược, hít vào đường thở, mất thời gian "vàng" cấp cứu trẻ. Khi sơ cứu, không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở. Khi trẻ bị đuối nước, việc đầu tiên trong sơ cứu là đưa trẻ lên khỏi mặt nước, sau đó đánh giá tình trạng xem nạn nhân có ngừng thở, ngừng tim hay không. Nếu có, cần nhanh chóng hồi sinh tim phổi, đồng thời báo người xung quanh gọi cấp cứu 115. Vị trí ép tim là trên xương ức, ngang với đường nối hai núm vú. Ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực. Tốc độ ép tim 100 lần/phút. Nếu chỉ có một mình cấp cứu, hãy thực hiện 30 lần ép tim, sau đó thổi ngạt hai lần. Nếu có hai người cấp cứu, hãy thực hiện 15 lần ép tim, sau đó thổi ngạt hai lần. Sau mỗi hai phút cần đánh giá lại xem trẻ có thở lại hay không, có mạch không. Sau khi trẻ có nhịp tim và nhịp thở trở lại, cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để điều trị. Phụ huynh khi đưa trẻ đi nghỉ dưỡng ở những nơi có bể bơi, biển, hồ ao, sông ngòi, cần chú ý, quan sát kỹ con trong quá trình bơi lội, tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra. Kỹ thuật cấp cứu người đuối nước. Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress