TP HCMGấp máy tính hoàn thành công việc vào chiều 26 Tết, chị Nguyệt, giám đốc marketing, đột ngột đau bụng dữ dội, vào viện vì xuất huyết ổ bụng. "Quãng đường tôi vừa vượt qua là chặng dồn dập tai nạn liên hoàn", chị Nguyệt, sinh năm 1984, nói. Làm việc trong lĩnh vực y tế hơn 12 năm, chị quan tâm sức khỏe, duy trì tầm soát định kỳ 6 tháng một lần, kiểm soát kỹ chế độ ăn uống. Vốn cơ địa thiếu máu do có khối u xơ tử cung lành tính cần theo dõi, thêm tình trạng huyết áp thấp, chị thường choáng váng mỗi khi đứng lên ngồi xuống đột ngột. Bác sĩ chỉ định mổ bóc u xơ, song chị còn chần chừ vì sợ mổ xẻ. Cận Tết 2023, sau thời gian dồn sức nhiều cho công việc, nữ giám đốc đau bụng dữ dội đến mức không ngồi được. Vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ kết luận xuất huyết ổ bụng - một trong những xuất huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Chị nhận ra bản thân đã mất cân bằng vì áp lực công việc và cuộc sống quá lớn. Do tình trạng xuất huyết ổ bụng có mảng lạc nội mạc lẫn khối u xơ kích thước lớn 3x6 cm chèn ép gây móp bàng quang, bác sĩ mổ mở để bóc u xơ. Chị như "trút được gánh nặng bấy lâu vì chần chừ không giải quyết khối u xơ". Thế nhưng, kết quả giải phẫu bệnh cắt ngang thân khối u khiến chị bàng hoàng. Bác sĩ kết luận chị mắc sarcoma cơ trơn tử cung dạng hiếm gặp, giai đoạn sớm. Theo y văn, đây là một trong những bệnh ung thư chiếm khoảng 0,03% ung thư cơ trơn tử cung trên thế giới. Bệnh thường được phát hiện tình cờ qua mổ bóc u xơ thường quy. Vì thế, trước khi phẫu thuật mổ bóc u xơ tử cung, dù đã cẩn thận làm bộ xét nghiệm marker (chất chỉ điểm) ung thư, kết quả vẫn là bình thường. 3 tuần sau ca mổ cũ, tháng 3/2023, chị được BS.CK2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại Phụ khoa, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM và ê kíp mổ bóc tách bỏ toàn bộ tử cung, cổ tử cung và phần phụ (buồng trứng), nạo vét các tế bào nghi ngờ xung quanh ổ bụng. Ca mổ thành công, chị bước vào giai đoạn điều trị phục hồi bằng các biện pháp hỗ trợ từ châm cứu, nắn chỉnh Đông y, điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện dưỡng sinh phù hợp với người trải qua hai lần phẫu thuật trong một tháng. Chị Nguyệt hiện đã hồi phục sức khỏe, quay trở lại công việc. Ảnh: Hoàng Nguyễn 6 tháng kể từ ngày kết thúc ca mổ lần hai, những tưởng mọi "tai nạn" đã qua đi, chị một lần nữa đối diện với những dấu hiệu của một người mãn kinh, ở tuổi 39. Sau hai lần đặt sonde tiểu và bị bí tiểu trong quá trình hậu phẫu, chị thường xuyên bị ức chế tâm lý và dễ bị viêm nhiễm hơn. Nhiệt độ trong người lúc nóng lúc lạnh, việc tăng cân đều đều mỗi tháng một kg lên đến 52 kg, thay vì thường dao động ở mức 44 kg như trước mổ. Những điều này khiến chị trầm cảm nhẹ, vui buồn thất thường, mệt mỏi, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ... "Tôi tự cô lập bản thân không giao tiếp với ai, kể cả con trai ở chung nhà", chị nói. Có những ngày, chị bỗng dưng bật khóc nức nở chỉ vì mình học mãi một câu tiếng Anh mà không nhớ, trong khi trước đây giao tiếp, làm việc bằng tiếng Anh lưu loát. Chị cảm thấy tay chân uể oải, đầu óc lơ mơ, "cơ thể như không phải của mình và thậm chí nghĩ cuộc sống này không có gì đáng để tiếp tục". Không muốn để tình trạng này trầm trọng hơn, người phụ nữ tìm đến các khóa học thiền và dinh dưỡng, điều chỉnh tâm lý tinh thần. Nhờ các kiến thức thực tiễn này, chị phát hiện chế độ ăn uống hiện tại quá nhiều chất bổ nhưng lại thiếu các dưỡng chất để cân bằng cơ thể. Tâm lý chung của các bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật thường bồi bổ bằng yến, táo đỏ, kỷ tử... thời gian dài để tăng cân. Đây là các loại thức ăn nhiều chất bổ, nên cơ thể người bệnh dễ no lâu, dẫn đến ăn thiếu các món khác. Người bệnh cũng thường kiêng các loại thịt đỏ. Trên thực tế, không có tài liệu khoa học nào chứng minh thịt đỏ tạo nên tế bào ung thư. Vấn đề là hệ tiêu hóa có tiêu thụ được các loại thịt này để cung cấp đủ đạm cho cơ thể không. Vì ăn thiếu đạm, tóc chị rụng nhiều, da sạm, người yếu đi. Điều này khiến bản thân càng thêm căng thẳng. Chị chấm dứt vòng luẩn quẩn này bằng chế độ ăn mới không kiêng khem, phối hợp các loại rau gia vị (kinh giới, rau răm, ngò rí, gừng...) để dễ tiêu hóa, ăn nóng ngay khi vừa nấu xong. Chị áp dụng quy tắc bàn tay, tức ước lượng phần ăn dựa trên lòng bàn tay. Theo đó, trong một bữa ăn, lượng chất xơ như rau củ khoảng hai lòng bàn tay, tinh bột hoặc trái cây vừa một nắm tay, chất đạm (thịt cá, trứng) vừa một lòng bàn tay, chất béo khoảng một ngón tay cái. Bản chất các thực phẩm tươi có sẵn độ ngọt nên chị giảm gia vị tối đa. Chị Nguyệt thường chụp hình lại các bữa ăn để nhớ đã ăn món gì. Ảnh: Nhân vật cung cấp Chị cũng tập luyện vừa sức những bài đi bộ nhanh trên máy, tham gia trò chuyện cùng một cộng đồng phù hợp. Chị thường xuyên ngâm bột thảo mộc cho ấm người, giúp khí huyết lưu thông. Sau mổ, chị lệch toàn bộ xương chậu nên nhờ người đến nhà duy trì nắn chỉnh khí lực 3 tuần/lần để chỉnh cột sống và xương chậu. "Tôi phát hiện ra chìa khóa của việc thay đổi nằm ở cách tư duy của bản thân. Tuy vậy, đó lại là điều khó chuyển đổi nhất", chị chia sẻ. Bởi, chuỗi ngày sau hậu phẫu 6 tháng mới là bắt đầu của một hành trình đối diện với một cơ thể mới với rất nhiều vấn đề mất cân bằng từ hormone, nên việc ổn định tâm trạng rất khó khăn. Do đó, chị "bật công tắc" cho tinh thần thông qua chế độ ăn và vận động đúng đủ để cơ thể cân bằng lại rồi mới bắt đầu đối diện với từng vấn đề của bản thân. Chị cũng gặp những chuyên gia tâm lý hoặc những người bạn hiểu biết, để họ giúp thay đổi góc nhìn. Dần dần, người phụ nữ lấy lại được sự cân bằng cho tinh thần và sức khỏe, vóc dáng của mình, giữ cân nặng ở mức 46 kg. Hiện kinh nguyệt đều đặn, chị không còn dấu hiệu tiền mãn kinh, ngủ ngon giấc. Kiểm tra sức khỏe mới đây, các chỉ số ở mức bình thường. Chị Nguyệt tập khí công. Ảnh: Hoàng Nguyễn "Tôi mong chị em đồng cảnh ngộ sẽ tìm được một sự an ủi, động viên trên hành trình tìm được cuộc sống ổn định và bình thường. Chữ 'bình thường' mà tôi luôn muốn viết hoa một cách trân trọng và quý giá", chị nói. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress