Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) cho biết hơn 40% nhà mạng tại vùng nông thôn cần thêm tiền để loại bỏ thiết bị Huawei, ZTE. Gian hàng Huawei tại triển lãm MWC ở Tây Ban Nha tháng 2/2023. Ảnh: Lưu Quý Năm 2020, FCC bỏ phiếu đồng thuận buộc các nhà mạng tại vùng nông thôn Mỹ loại bỏ thiết bị mạng do một số công ty sản xuất, trong đó có Huawei và ZTE với lý do an ninh. Nhiều nhà mạng cung cấp dịch vụ tại vùng nông thôn Mỹ sử dụng thiết bị của hai công ty này vì giá ưu đãi cùng các điều khoản tài chính có lợi. Chương trình thay thế thiết bị mạng do FCC đề ra được ước tính cần hơn 1,8 tỷ USD và Quốc hội Mỹ đã cấp khoản tiền này cho các nhà mạng cần hỗ trợ. Tuy nhiên, chi phí tăng cao khiến ngân sách ước tính ban đầu không đủ hoàn thành chương trình. Đầu năm nay, một dự luật mới được trình lên quốc hội nhằm bổ sung 3 tỷ USD vào quỹ nhưng không được thông qua. Trong báo cáo mới, FCC cho biết có 126 nhà mạng tham gia vào chiến dịch "loại bỏ và thay thế". Hơn 40% trong đó không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ nếu không có thêm nguồn tiền. Trong khi đó vào tháng 1, chỉ 19% nhà cung cấp dịch vụ ở nông thôn nói cần thêm tiền để hoàn thành. "Bất chấp sự thiếu hụt nguồn tài trợ, các nhà mạng vẫn phải tuân theo yêu cầu là phải loại bỏ tất cả thiết bị và dịch vụ truyền thông được chỉ định trong mạng của họ", FCC cho hay. Theo thống kê được công bố, 32% nhà mạng ở nông thôn đã gặp khó khăn khi thuê nhân công thực hiện chương trình, tăng so với mức 16% sáu tháng trước. Sự chậm trễ liên quan đến thời tiết ảnh hưởng đến 15% nhà cung cấp, trong khi hồi tháng 1 là 10%. Hiện mới có 14 trong số 126 công ty nộp giấy chứng nhận đã "loại bỏ, thay thế và xử lý vĩnh viễn tất cả thiết bị và dịch vụ truyền thông được chỉ định có trong mạng lưới của họ". Với 112 công ty còn lại, Quốc hội có thể phải tìm ra cách hỗ trợ thêm tiền. Huy Đức Adblock test (Why?)Theo Trang Công Nghệ