Để phòng tránh các bệnh do nắng nóng như choáng ngất, sốc nhiệt, chuyên gia khuyến nghị uống đủ nước, tránh những khu vực đông đúc và mặc quần áo sáng màu. Bệnh về nóng là tình trạng y tế nghiêm trọng do cơ thể không có khả năng điều hòa trong một nhiệt độ cụ thể. Người bệnh có thể chuột rút, kiệt sức, ngất và đột quỵ do nhiệt. Thông thường, con người dần duy trì nhiệt độ cơ thể trong một phạm vi rất hẹp, khoảng 36 độ C đến 37 độ C. Các bệnh về nhiệt xảy ra khi cơ thể người không thể tỏa nhiệt dư thừa và tự làm mát đúng cách, cơ thể mất đi "trạng thái cân bằng nhiệt". Khi thân nhiệt quá nóng, các mạch máu trở nên lớn hơn, tim đập nhanh và mạnh. Nhiều máu chảy đến các lớp bên ngoài da từ cơ lõi bên trong. Bệnh về nhiệt có từng giai đoạn và mức độ nghiêm trọng cụ thể. Giai đoạn đầu, cơ thể bị phát ban nhiệt, đây là loại kích ứng da, cảm giác châm chích, khiến da đỏ lên. Tiếp theo là chuột rút do nhiệt. Người bị chuột rút cảm thấy khát nước và co thắt cơ bắp. Giai đoạn sau, người bệnh bị kiệt sức vì nóng. Các triệu chứng gồm mệt mỏi cực độ, không thể đi lại, khát nước, mạch nhanh và đổ mồ hôi. Triệu chứng nặng nhất là say nắng. Đây là khi nhiệt độ cơ thể tăng lên hơn 41 độ C. Bệnh nhân say nắng bị lú lẫn, nóng và khô da, không thể tiết mồ hôi. Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất, có thể đe dọa tính mạng. Hoạt động dưới cái nắng gay gắt thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt hoặc kiệt sức do nhiệt. Ảnh: Pexel Để phòng tránh các loại bệnh do nhiệt, cách đơn giản nhất là luôn uống đủ nước, đặc biệt khi cảm thấy khát. Mọi người có thể theo dõi màu sắc nước tiểu. Nếu nước tiểu trong, cơ thể bạn đang ngậm đủ nước. Nếu nước tiểu tối màu, cơ thể đang thiếu nước. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị bôi kem chống nắng đầy đủ để tránh bỏng da, gây mất nước nhiều hơn. Mặc quần áo sáng màu, rộng rãi, làm từ chất liệu thoáng khí giúp cơ thể trở nên mát mẻ. Nếu bạn là vận động viên hoặc người lao động phải hoạt động nhiều và liên tục dưới cái nóng, các chuyên gia khuyến nghị cần nghỉ ngơi đúng lúc ở nơi râm mát, đảm bảo uống đủ nước. Mọi người cần chú ý đến tuổi tác, tiền sử bệnh tật của bạn thân, bởi đây là các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh do nhiệt. Người dễ bị say nắng hoặc sốc nhiệt là trẻ em và người già. Mùa hè cũng là mùa lễ hội, thời điểm người dân năng nổ tham gia các đại nhạc hội hoặc sự kiện ngoài trời. Không khí đông đúc và nhiệt độ cao dễ khiến người có sức khỏe kém choáng ngất. Để sơ cứu cho người bị choáng ngất hoặc sốc nhiệt, bạn có thể di chuyển họ đến không gian thoáng khí và mát mẻ hơn, chẳng hạn phòng có điều hòa hoặc bóng cây. Tiếp đến, bạn nới lỏng quần áo của bệnh nhân để "cho da thở" và mồ hôi bay hơi. Người bệnh cần được uống nước ngay lập tức để bổ sung lượng chất lỏng trong cơ thể. Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị lú lẫn và mất ý thức, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Thục Linh (Theo NY Post) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress