Trước thực trạng tỷ lệ vô sinh tăng do phá thai, Bộ Y tế đề xuất quy định cụ thể về điều kiện, trình tự thủ tục phá thai và trách nhiệm của cơ sở y tế. Bộ Y tế đang xin ý kiến các cơ quan dự án xây dựng Luật Dân số. Cơ quan này đề xuất quản lý chặt chẽ phá thai nói chung và dịch vụ phá thai nói riêng nhằm giảm tỷ lệ phá thai, phá thai không an toàn, nâng cao chất lượng sức khỏe phụ nữ, chất lượng dân số. Bộ Y tế cũng cho rằng văn bản hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể, trong khi người dân lại thiếu ý thức, hiểu biết về nạo phá thai an toàn. Vì vậy, dự luật cần có quy định cụ thể về tư vấn trước, trong, sau khi nạo phá thai; điều kiện, trình tự thủ tục phá thai và điều kiện, trách nhiệm của cơ sở y tế thực hiện phá thai. Cơ quan soạn thảo cho rằng việc siết các quy định này nhằm khắc phục tình trạng phá thai không an toàn và hạn chế những hậu quả tiêu cực của phá thai; giảm phá thai xuống mức thấp nhất. Đến năm 2030, Bộ đặt mục tiêu giảm 2/3 số người vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Học sinh trong giờ học vẽ tại một trường mầm non ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy Theo báo cáo đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh Dân số hơn 20 năm qua, cơ quan này cho biết tỷ lệ vô sinh có xu hướng tăng do phá thai và ảnh hưởng của môi trường độc hại. Đây là vấn đề nhức nhối, nhất là phá thai ở phụ nữ trẻ, chưa xây dựng gia đình, thanh niên và người vị thành thành niên. Nguyên nhân thường là mong muốn sinh ít con hoặc giãn cách giữa các lần sinh. Bên cạnh đó, các ca phá thai do yếu tố sức khỏe, nghèo đói, không có việc làm, ảnh hưởng sự nghiệp, không đủ sức nuôi dạy, chăm sóc con cái sau khi sinh và phá thai lựa chọn giới tính. Việc quản lý dịch vụ phá thai ở cơ sở y tế tư nhân còn hạn chế. Thông tin công bố tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp 2023, cho hay tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên tăng từ 0,4 lên 1%, gấp đôi so với 10 năm trước. Trong hơn 4.700 hồ sơ đình chỉ thai nghén tự nguyện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong năm 2022, có 51 trường hợp là trẻ vị thành niên, chiếm hơn 1%. 27 em trong số này bỏ thai dưới ba tháng tuổi (53%), còn lại phá thai to trên 12 tuần. Độ tuổi trung bình của các em trong nghiên cứu là 15,7; nhỏ nhất là 12 tuổi, lớn nhất là gần 18. Chỉ ba trẻ vị thành niên (6%) sử dụng biện pháp tránh thai, cho thấy các em thiếu kiến thức tránh thai nghiêm trọng, trích dẫn từ nghiên cứu. Bác sĩ Hà Duy Tiến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết tỷ lệ phá thai to trên 12 tuần vẫn ở mức cao, phản ánh việc trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, phát hiện có thai muộn hoặc do tâm lý lo sợ nên phân vân, chần chừ với quyết định nên bỏ hay giữ. Phá ở tuổi thai muộn làm tăng nguy cơ thất bại và các tai biến của thủ thuật, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, thậm chí tính mạng. Ngoài ra, bỏ thai ở tuổi này còn gây bất ổn tâm lý. "Trẻ dễ rơi vào trầm cảm, bởi không thể chia sẻ được với ai. Thanh thiếu niên mang thai cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tâm thần cao hơn ở tuổi trưởng thành bất kể kết quả (do phá thai hoặc sinh con) của thai kỳ", ông Tiến nói. Theo Điều 100 Nghị định 117/2020, hành vi nạo phá thai nếu vì mục đích lựa chọn giới tính sẽ bị xử phạt hành chính 3-5 triệu đồng. Người cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi nhằm lựa chọn giới tính có thể bị phạt đến 15 triệu đồng. Nhân viên, cơ sở y tế vi phạm những nội dung trên có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động đến 12 tháng. Sơn Hà Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress