TP HCMBé trai 14 tuổi đạt chiều cao 165 cm sau 6 năm điều trị hormone tăng trưởng, thoát lùn nhờ phát hiện bệnh kịp thời. Từ năm 4 tuổi, chiều cao của bé tăng rất chậm, khoảng 3 cm mỗi năm, luôn thấp nhất lớp. Đến 7 tuổi, bé được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng, bác sĩ chỉ định tiêm thuốc điều trị, lúc chiều cao đạt 113 cm. Khi 13 tuổi, bé dậy thì, gia đình quyết định ngưng điều trị, lúc chiều cao đạt 155 cm, nằm trong mức trung bình so với tuổi. Sau dậy thì một năm, bệnh nhi đạt được mức chiều cao 165 cm. "Không phải là quá cao nhưng đây là mức có thể chấp nhận được, không bị lùn giống như mọi người lo ngại", mẹ bé nói. Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết khi được xác định đúng nguyên nhân gây chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng và tuân thủ theo phác đồ điều trị, chiều cao của trẻ cải thiện đáng kể. "Để việc điều trị đạt hiệu quả, cần đúng thời điểm, đúng liều lượng, tốt nhất trong khoảng độ tuổi 4-13. Nếu qua thời gian này, các sụn xương của trẻ đóng lại, dùng hormone tăng trưởng không còn tác dụng tăng cao. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ có thể tăng chiều cao 8-12 cm mỗi năm", bà Anh cho hay. Hormone tăng trưởng (GH) là một hormone được sản xuất bởi tuyến yên trong não, tác dụng giúp trẻ phát triển, chủ yếu trong giai đoạn tuổi dậy thì. Thiếu GH là rối loạn nội tiết phổ biến, một trong những nguyên nhân quan trọng gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích hormone tăng trưởng không đủ. Thiếu hormone này có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải do tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não, viêm não..., xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào. Trong một số trường hợp, việc thiếu GH không xác định được nguyên nhân. Trẻ chụp Xquang xương bàn tay để đánh giá tuổi xương tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Minh Thư Thông thường, trẻ có vấn đề về chiều cao đến khám sẽ được đánh giá tình trạng tăng trưởng thông qua các chỉ số chiều cao, cân nặng, đối chiếu với các giá trị tham chiếu trên biểu đồ tăng trưởng. Trẻ cũng được chụp Xquang xương bàn tay khi có chỉ định để đánh giá tuổi xương. Từ đó, các bác sĩ sẽ xem xét vấn đề phát triển chiều cao của trẻ là bình thường hay bất thường. Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được xét nghiệm máu để định lượng chính xác hormone tăng trưởng và một số hormone liên quan khác. Chậm tăng trưởng do thiếu hormone chiếm tỷ lệ thấp, là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến trẻ chậm tăng trưởng và rất khó nhận biết. Hầu hết trẻ biểu hiện bên ngoài không đặc biệt ngoài việc không tăng hoặc tốc độ tăng chiều cao chậm. Nếu không được điều trị, trẻ có chiều cao trung bình chỉ từ 135-145 cm, thấp hơn so với chiều cao tối đa có thể đạt được. Điều này không chỉ ảnh hưởng công việc, cuộc sống sau này mà còn có thể khiến tâm lý trẻ mặc cảm, tự ti khi so với bạn bè đồng trang lứa. Trẻ thiếu hormone tăng trưởng nặng có biểu hiện giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam... Một số trẻ có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỷ lệ cơ thể bình thường. Ngoài ra, một số các triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra như thiếu tập trung, trí nhớ kém, mệt mỏi... Bác sĩ lập biểu đồ chiều cao của trẻ trong vòng 6 tháng gần nhất hoặc hơn để đánh giá sự phát triển chiều cao khi trẻ đến khám. Ảnh: Bệnh viện cung cấp BS.CK2 Nguyễn Khoa Bình Minh, Phó Khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết tùy vào tình trạng của từng bé, liều lượng sử dụng, việc tiêm hormone tăng trưởng có thể tốn từ vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và điều chỉnh liều thuốc nếu cần. Theo bác sĩ Minh, không ít phụ huynh khi thấy con chậm cao, đến bày tỏ mong muốn được tiêm hormone tăng trưởng, song thăm khám cho thấy trẻ không thiếu hormone này, không thuộc nhóm chỉ định. Ngược lại, nhiều bố mẹ không để ý chiều cao của con, đến lúc phát hiện nguyên nhân này thì trẻ đã sắp hoặc thậm chí đã qua dậy thì, không còn cơ hội điều trị. Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20-25 cm, sang năm thứ 2 tăng 12 cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7 cm. Từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Từ năm 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6 cm mỗi năm. Đến tuổi dậy thì, bé gái tăng khoảng 6-10 cm mỗi năm. Bé trai tăng từ 6,5-11 cm mỗi năm. Trường hợp trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi, phụ huynh nên nghĩ đến việc cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm. Các bác sĩ khuyến cáo việc chẩn đoán chính xác và điều trị bằng liệu pháp hormone phải do bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi trực tiếp thăm khám, chỉ định, theo dõi khi tiêm hormone tăng trưởng. Người nhà không tự ý đánh giá qua vóc dáng của bé và tìm mua các sản phẩm hormone tăng trưởng tiêm cho trẻ, dẫn đến các hệ quả nguy hiểm sức khỏe và tính mạng. TS.BS Nguyễn Văn Đàn thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp TS.BS. Nguyễn Văn Đàn, Trưởng Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cơ sở 3, cho biết bên cạnh việc điều trị tiêm hormone tăng trưởng theo chỉ định của bác sĩ, y học cổ truyền đã có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả các bài thuốc thảo dược trong hỗ trợ điều trị tình trạng thiếu GH ở trẻ, góp phần vào kiểm soát vấn đề này. Một nghiên cứu năm 2022 với 455 trẻ tham gia có vóc dáng thấp từ Hàn Quốc cho thấy liệu pháp kết hợp thuốc thảo dược và hormone tăng trưởng có hiệu quả tốt hơn đáng kể so với chỉ trị liệu tiêm hormone tăng trưởng cho trẻ. Đồng thời, tỷ lệ tác dụng không mong muốn cũng thấp hơn. Do đó, phụ huynh có thể xem xét kết hợp cho trẻ khám và điều trị ở các chuyên gia có kinh nghiệm về nhi khoa đông y trong trường hợp trẻ gặp nhiều tác dụng không mong muốn trong quá trình tiêm hormone tăng trưởng hoặc trẻ có thiếu hormone nhưng nhẹ, chưa cần tiêm. Thùy An - Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress