Đội xây dựng Trung Quốc phụ trách đào đường hầm ở dãy Thiên Sơn bắt tay vào phần khó khăn nhất trong siêu dự án là mở đường xuyên qua khu vực sông băng. Máy đào hầm Ôn Túc dùng để đào đường hầm Tây Thiên Sơn. Ảnh: QQ Đường hầm siêu dài Tây Thiên Sơn 15,7 km thuộc tuyến đường cao tốc lớn nối khu vực phía nam và phía bắc của vùng Tân Cương rộng lớn ở Trung Quốc. Công trình được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thông thương và du lịch, cung cấp liên kết quan trọng với Trung Á theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đội xây dựng hôm 3/7 sử dụng máy đào hầm (TMB) sản xuất trong nước để khoan đường hầm. Cỗ máy nặng 1.800 tấn tên Ôn Túc được thiết kế và phát triển bởi Công ty xây dựng truyền thông Trung Quốc. Cỗ máy dài 235 m và có đường kính 8,83 m. Đây là máy đào hầm rộng nhất từng được sử dụng trong các dự án đào hầm đang tiến hành ở Thiên Sơn. Khoảng 2/3 dãy Thiên Sơn dài 2.500 km, chạy qua Kyrgyzstan, Uzbekistan và Kazakhstan ở Trung Á, nằm ở Tân Cương. Độ cao trung bình của dãy núi là 4.300 m. Đường hầm Tây Thiên Sơn sẽ là đường hầm đầu tiên của Trung Quốc chạy thẳng qua khu vực sông băng. Hơn 3/4 đường hầm (gần 12 km) sẽ chạy qua lớp đá bên dưới 1 km băng, một số đoạn nằm dưới 2,4 km băng. Ôn Túc là máy TMB tiên tiến nhất đào qua dãy Thiên Sơn, khu vực có nhiều hoạt động địa chấn với nhiệt độ trung bình khoảng -23 độ C vào mùa đông. Điều kiện địa chất đặt ra những thách thức riêng biệt về an toàn và môi trường đối với công tác đào hầm, bao gồm ngấm nước, sụp lở đá và nhiệt độ chênh lệch trong đất. Quá trình xây dựng đường hầm bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái và dự kiến hoàn thành trong năm 2026. Dự án này là một phần quan trọng của đường cao tốc Chiêu Tô - Ôn Túc, nối huyện Chiêu Tô ở phía bắc với huyện Ôn Túc ở phía nam Tân Cương. Theo lịch thông xe năm 2027, đường cao tốc này sẽ là chuyến giao thông chủ chốt nối Trung Quốc với Nga, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Pakistan, cũng như giữa Tân Cương và Tây Tạng. Trung Quốc bắt đầu xây một số đường cao tốc và đường hầm ở Tân Cương trong những năm gần đây, bao gồm đường hầm Thiên Sơn Thắng Lợi thuộc tuyến cao tốc Urumqi - Úy Lê dài 1.300 km, nối thủ phủ Tân Cương với huyện Úy Lê. Đoạn đường hầm dài 22,1 km sẽ là đường hầm dài nhất thế giới khi thông xe cuối năm sau. An Khang (Theo CN Mega) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress