Đến nhà bạn trai chơi, Duyên thấy bác gái nhìn mình không mấy thiện cảm. Sau này, cô biết mình bị chê là "cá mắm", sợ khó đẻ với chiều cao 1,6m nhưng chỉ nặng 42 kg. "Mình muốn tăng cân, không phải vì bị chê mà tự bản thân cũng thấy gầy xấu quá, mặt mũi hốc hác, mặc đồ không đẹp, trông người thiếu sức sống", cô nhân viên văn phòng 24 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội, thổ lộ. Duyên kể, hồi sinh viên có lúc cô nặng hơn 50 kg, bị vài người bạn cùng phòng ký túc xá chê béo nên quyết định nhịn ăn uống chỉ còn bằng cân nặng như hiện nay. Bây giờ xuống cân, cô thấy mình "xuống cấp", mệt mỏi hơn nên muốn lấy lại thân hình cũ. "Chẳng hiểu sao từ đó đến nay mình đã cố gắng ăn nhiều, uống sữa cho người muốn tăng cân, mà vẫn chẳng ăn thua. Muốn tăng thêm 3-5 kg mà khó quá", Duyên kể. Trong khi nhiều người tìm mọi cách giảm cân thì không ít người lại mong "béo lên" mà không dễ. Quý 24 tuổi (Hào Nam, Hà Nội) thường mặc cảm mỗi khi bị gọi là "cây treo áo", "bọ gậy" vì nặng chưa đầy 50 kg trong khi chiều cao trên 1,7m. Chàng sinh viên năm cuối làm mọi cách để tăng cân nhưng vẫn chưa cải thiện. "Em sợ sẽ khó xin được việc làm vì vẻ ngoài của mình", Quý chia sẻ. Ảnh minh họa: Wikihow.com Thạc sĩ Doãn Tường Vi, trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198 cho biết, muốn biết mình có thực sự gầy không, bạn cần tính toán cụ thể, dựa trên chỉ số BMI (tính bằng cân nặng/ bình phương chiều cao). Nếu chỉ số này dưới 18,5 mới gọi là gầy. Theo bác sĩ, những người thiếu cân trước hết phải tìm nguyên do rồi mới có thể khắc phục. Có nhiều nguyên nhân khiến bạn gầy như do thể tạng, ăn uống không đủ chất, lượng ăn vào không bù được năng lượng tiêu hao với những người làm việc quá vất vả, bị mất ngủ, stress; có bệnh lý về đường ruột (ăn không hấp thụ được)... Nếu do bệnh, việc đầu tiên là phải chữa cho khỏi. Khi đã loại trừ hết các yếu tố khác là bệnh tật, stress... thì có thể cải thiện chế độ ăn uống để tăng cân. Theo bác sĩ, đầu tiên cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất đạm, đường, béo, vitamin và muối khoáng. Nên ăn đa dạng thực phẩm, kết hợp nhiều loại, thay đổi nhiều món trong ngày, trong bữa. Những người gầy thường sợ đồ xào, rán, nhưng nếu muốn lên cân cần tăng cường chất béo. Có thể ăn các loại thịt nửa nạc nửa mỡ, cá béo như basa... Bạn cũng đừng quên ăn rau, hoa quả cung cấp vitamin, muối khoáng, chất xơ giúp chuyển hóa tốt, kích thích hệ tiêu hóa... Có thể ăn thêm 1-2 bữa phụ, uống nước ép trái cây. Nếu sử dụng sữa cao năng lượng thì nên dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ, vì nếu uống ban ngày có thể khiến bạn lửng dạ, và không muốn ăn vào bữa chính. Nhiều người nghĩ nên ăn vặt nhiều nếu muốn nhanh béo. Thực tế ngược lại, không nên ăn vặt hay uống đồ ngọt trước bữa ăn, vì có thể khiến bạn chán ăn và không nạp đủ năng lượng cần thiết. Ngoài ra, cần tập thể dục nhẹ nhàng. Không ít người nghĩ rằng đã gầy thì không nên tập thể dục vì có thể làm tiêu hao thêm năng lượng. Thực chất, tập thể dục giúp kích thích trao đổi chất, điều hòa khí huyết, tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai của cơ thể, làm bạn ăn ngon, ngủ ngon và lên cân lành mạnh. "Ăn uống lành mạnh, cân đối, đa dạng, ngủ đủ, tập thể dục đều đặn, học cách để giảm stress... giúp bạn có thể lên cân, và nếu không thì cũng có cơ thể khỏe mạnh, đầy sức sống", bác sĩ chia sẻ. Vương Linh Nguồn VNExpress