Theo khảo sát của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, cứ 10 người Hàn Quốc thì 7 người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, gồm căng thẳng cực độ và suy nghĩ tiêu cực. Nghiên cứu cho thấy vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân nước này ngày càng trở nên tồi tệ, tỷ lệ người mắc các bệnh tâm lý tăng gần 10% so với năm 2022. Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Quốc gia đã bắt đầu cuộc khảo sát vào năm 2016 để cung cấp những hiểu biết cơ bản nhằm cải thiện các chính sách chăm sóc sức khỏe tinh thần. Cuộc khảo sát được tiến hành hai năm một lần. Kết quả mới nhất là dữ liệu trực tuyến từ tháng 2 đến tháng 5, trên hơn 3.000 người ở độ tuổi 15 đến 69. Theo khảo sát, 78,8% số người được hỏi cho biết đã cố gắng duy trình tinh thần ổn định trong cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên 73,6% vẫn gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần trong năm qua, tăng 9,7% so với mức 63,9% được báo cáo ở cuộc khảo sát năm 2022. Trong đó, tỷ lệ cá nhân trải qua căng thẳng cực độ tăng từ 36% lên 46,3%, số người suy nghĩ tiêu cực tăng từ 30% lên 40,2%. Số người nghiện điện thoại thông minh hoặc internet tăng từ 6,4% năm 2022 lên 18,4%, số người nghĩ đến việc tự tử tăng từ 8,8% lên 14,6%. Cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần của Hàn Quốc bắt nguồn từ môi trường học tập, làm việc áp lực; tỷ lệ thất nghiệp tăng; thiếu mạng lưới an sinh xã hội cho người già và tâm lý e ngại khi nhắc đến vấn đề sức khỏe tâm thần. Tình trạng cô đơn khiến nhiều người Hàn Quốc rơi vào trầm cảm. Ảnh: Guian Bolisay/flickr Giáo sư Hea-kyung Kwon, Đại học New York, cho biết tình trạng trầm cảm đặc biệt nghiêm trọng ở thanh thiếu niên và người cao tuổi. Nhóm này thường cảm thấy họ không có quyền lực trong xã hội. "Đối với người trẻ tuổi, áp lực phải học tốt rất lớn. Tại Hàn Quốc, học sinh phải cạnh tranh khốc liệt để vào được một số ít trường đại học ưu tú, cần sự đầu tư mạnh mẽ từ cha mẹ. Các bậc phụ huynh thường nói với con cái rằng 'Chúng ta đã bỏ từng ấy tiền cho con, vì vậy con cần thành công"', giáo sư Kwon nói, thêm rằng đến một lúc nào đó, trẻ em không chịu được áp lực, không thể đáp ứng kỳ vọng của mọi người. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ Hàn Quốc được bố mẹ kỳ vọng trúng tuyển một trường đại học ưu tú, trở thành công chức hay làm việc tại một chaebol (công ty lớn) của Hàn Quốc như Samsung, LG, hay Hyundai. Phần lớn dân số phấn đấu vì mục tiêu này, khiến nó trở thành con đường hẹp và không thực tế. Yếu tố đằng sau cuộc chiến về sức khỏe tâm thần ở Hàn Quốc bắt nguồn từ giá trị văn hóa kỳ lạ, vẫn tồn tại sau quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của quốc gia vào cuối thế kỷ 20. Theo giáo sư Kwon, người Hàn có khuynh hướng gia trưởng mạnh mẽ. Nhiều phụ nữ cảm thấy bị đánh giá thấp hoặc thiếu an toàn. Xã hội có quan niệm lâu đời về thể diện, kỷ cương. "Xã hội không rộng lượng với những người phạm sai lầm", Kwon nói. Thục Linh (Theo Korea Times) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress