Vaccine Covid-19 dạng xịt sắp thử nghiệm trên người

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jul 5, 2024 at 4:53 PM.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 39)

    Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) bắt đầu thử nghiệm giai đoạn một với vaccine Covid-19 thế hệ mới, dạng xịt mũi, trên người.


    Thử nghiệm lâm sàng do Cơ quan Y tế Liên bang tài trợ, đang tuyển tình nguyện viên trên khắp nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu cho rằng vaccine xịt có thể bảo vệ người dùng trước các biến chủng mới hiệu quả hơn so với vaccine dạng tiêm trước đó.

    "Chúng tôi đang tìm kiếm loại vaccine thế hệ tiếp theo. Trong suốt đại dịch, vaccine được sản xuất cực kỳ nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Nhưng chúng tôi cũng nhận ra các yếu điểm của chúng", tiến sĩ John Brownstein, nhà dịch tễ học kiêm giám đốc đổi mới tại Bệnh viện Nhi Boston, cho biết.

    Vaccine mới có tên MPV/S-2P, điều chế từ virus viêm phổi chuột (MPV) đã suy yếu, không gây bệnh ở người. MPV sẽ mô phỏng một cách ổn định protein gai của nCoV, từ đó gắn vào tế bào người. Quá trình này hướng dẫn cơ thể nhận ra protein gây bệnh, huấn luyện tế bào miễn dịch tấn công chúng khi con người thực sự mắc Covid-19.

    Các nhà khoa học ghi danh 60 người tham gia, độ tuổi từ 18 đến 64. Họ đều đã tiêm ít nhất ba liều vaccine Covid-19 trước đó.

    Tình nguyện viên được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm nhận liều lượng vaccine khác nhau. Các nhà khoa học sẽ theo dõi họ 7 lần trong suốt một năm và đánh giá độ an toàn, hiệu quả miễn dịch trong mũi và máu.

    Thử nghiệm lâm sàng cần trải qua ít nhất ba giai đoạn. Sau đó, vaccine được đệ trình lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép. Vì vậy, vaccine có thể chưa ra mắt vào mùa thu năm nay.

    Các thử nghiệm tiền lâm sàng ở linh trưởng cho thấy MPV/S-2P an toàn và dung nạp tốt, tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, cả trong kháng thể nCoV và tế bào biểu mô lót mũi, đường hô hấp.

    [​IMG]

    Minh họa vaccine dạng xịt mũi. Ảnh: Adobe Stock


    Giáo sư Reynold Panettieri, Trường Y Robert Wood Johnson thuộc Đại học Rutgers, giải thích các loại virus như nCoV xâm nhập cơ thể qua đường mũi, vào phổi, đến máu, từ đó lan khắp cơ thể. Các vaccine dạng tiêm thông thường đi qua máu, xây dựng khả năng miễn dịch. Quá trình này ngăn bệnh chuyển nặng và giảm tử vong, song không hiệu quả trong phòng ngừa lây nhiễm. Việc tạo ra một niêm mạc hoặc tế bào lót, tương đương lớp miễn dịch trong mũi hoặc phổi sẽ gây khó khăn cho virus hơn.

    "Khi mọi người hít protein, cụ thể là protein gai virus trong trường hợp này, phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn nhiều so với tiêm", giáo sư Panettieri nói.

    Tháng 12/2021, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép cho hai loại vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna, nhắm vào biến thể ban đầu. Vaccine mRNA tạo protein, kích hoạt phản ứng miễn dịch chống nhiễm bệnh.Vì các nhà nghiên cứu tạo ra mRNA nhanh hơn so với virus sống hoặc suy yếu, vaccine mRNA nhanh chóng được thử nghiệm, sản xuất hàng loạt và phân phối trong dân số nói chung, ngăn hàng triệu ca nhập viện và tử vong.

    Cả hai loại vaccine đều đã được cập nhật, nhắm mục tiêu vào biến chủng mới BA.4 và BA.5 - các nhánh của omicron. Đến tháng 9/2023, chúng được điều chỉnh tiếp để tiêu diệt chủng XBB.

    "Các loại vaccine hiện có đã giảm hiệu quả theo thời gian. Chúng có khả năng bảo vệ cao trước các trường hợp nhập viện và tử vong do Covid-19 nghiêm trọng, nhưng kém hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây truyền", tiến sĩ Brownstein nói.

    Ngoài ra, vaccine mRNA cần quy trình nhiều bước để sản xuất, cũng như bảo quản đông sâu. Điều này có thể gây ra thách thức về hậu cần. Vaccine cũng khó tiếp cận đến một số người mắc chứng sợ kim tiêm.

    "Vaccine dạng xịt dễ chấp nhận hơn. Nếu nó ít gây khó khăn trong công tác phân phối, đồng thời cung cấp khả năng bảo vệ, lưu trữ tốt, đây có thể là bước quan trọng trong việc kiểm soát virus", Brownstein nhận định.

    Thục Linh (Theo ABC News)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Vaccine Covid-19 dạng xịt sắp thử nghiệm trên người

Share This Page