Tất cả mọi người đều không nên bỏ bữa sáng, đặc biệt với người có vấn đề tiêu hóa, suy giảm sức khỏe, người già, bệnh nhân tiểu đường hay tim mạch. Nhiều người nghĩ bữa sáng chỉ là bữa ăn phụ nên thường xuyên bỏ qua, ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể. Các chuyên gia nhìn nhận ăn sáng rất cần thiết. Về nguyên lý, sau khi kết thúc bữa tối, qua một đêm đến 6h hôm sau là khoảng 10-12 tiếng dạ dày trống rỗng, chưa kể cơ thể phải chuẩn bị năng lượng cho cả một ngày làm việc mới. Vì vậy, sau thời gian này, cơ thể cần bổ sung năng lượng. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết nhiều nghiên cứu cho thấy, người ăn sáng có xu hướng khỏe mạnh hơn, ít có khả năng thừa cân, béo phì và ít có nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính hơn người không có thói quen này. Không ăn sáng khiến cơ thể không có nguồn cung năng lượng. Cơ thể phải huy động một lượng đường và protein được dự trữ sẵn sàng cho mọi hoạt động, làm cho bề mặt của da khô, mất dinh dưỡng. Do đó, người nhịn ăn sáng dễ xuất hiện các nếp nhăn ở mắt và mặt, làm tăng quá trình lão hóa. Đói bụng cũng khiến bạn không thể tập trung, ảnh hưởng tới hiệu suất công việc. Bỏ qua bữa sáng dẫn tới buổi trưa và tối bạn sẽ ăn nhiều để bổ sung năng lượng. Trong khi đó, vào buổi tối, hoạt động không nhiều, thức ăn sẽ không kịp để tiêu hóa hết, làm cho nhiệt lượng cơ thể ngày càng tăng, lượng mỡ tích tụ ngày càng nhiều. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới thừa cân, béo phì. Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, cho biết một số nhóm người nhạy cảm hơn với những thay đổi trong chế độ ăn uống, nếu bỏ qua ăn sáng có thể gây nhiều nguy hiểm hơn so với người khỏe mạnh. Người có vấn đề về tiêu hóa Người có các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, bỏ ăn sáng có nguy cơ tình trạng trở nên nặng hơn. Dạ dày luôn co bóp, dịch vị tiết ra nhưng lại không có gì để tiêu hóa, lâu dần sẽ viêm loét dạ dày, dẫn tới suy giảm hệ miễn dịch cơ thể. Người suy giảm sức khỏe Người suy giảm sức khỏe, hệ miễn dịch yếu, người suy nhược, mệt mỏi... cần năng lượng và dinh dưỡng từ bữa sáng để duy trì sức khỏe, hỗ trợ quá trình hồi phục. Nhịn ăn sáng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật hơn. Chưa kể, tình trạng mệt mỏi, suy nhược có thể trở nên trầm trọng hơn và làm giảm khả năng tham gia các hoạt động hàng ngày. Người già Nhịn ăn sáng có thể dẫn đến thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết, cơ thể cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng hơn. Người già thường dễ bị hạ đường huyết, nhịn ăn sáng có thể làm giảm mức đường huyết, gây các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, thậm chí ngất xỉu. Người bệnh tiểu đường Những người mắc bệnh tiểu đường cần duy trì mức đường huyết ổn định. Nhịn ăn sáng có thể gây biến động đường huyết, nguy hiểm cho sức khỏe. Người bệnh tim mạch Bỏ bữa sáng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch, do sự thay đổi đột ngột trong mức đường huyết và huyết áp. Với những nhóm người mắc bệnh tim mạch, bữa sáng rất quan trọng để cung cấp năng lượng, duy trì mức đường huyết ổn định và đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết. Nếu có ý định thay đổi chế độ ăn uống, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho sức khỏe. Xôi là một trong những món nên ăn buổi sáng để nạp năng lượng. Ảnh: Viet Nguyen Bác sĩ Hưng khuyên nên ăn sáng bằng bún, phở, xôi, bánh mì... để nạp năng lượng. Một gói xôi xéo có chứa chất đạm, chất béo và chứa khá nhiều năng lượng từ tinh bột. Bún nhiều chất dinh dưỡng, có thể cung cấp nhiều đạm hơn. Nhìn chung về chất lượng, ăn một bát bún, phở sẽ cân đối hơn so với ăn một gói xôi. Thúy Quỳnh Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress