Nhiều người cho biết không thể quét NFC trong CCCD để hoàn thành bước xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng do thiết bị lỗi, thao tác sai. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/7, giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng mỗi ngày phải xác thực khuôn mặt với mẫu khớp với cơ sở dữ liệu tập trung về dân cư. Một tuần trước khi quyết định có hiệu lực, các ngân hàng, ví điện tử và người dùng đang chạy đua xác thực tài khoản. Theo hướng dẫn, người dùng có thể chủ động thực hiện trên smartphone theo ba bước: Chụp ảnh mặt trước và sau của CCCD gắn chip; Quét NFC trên CCCD gắn chip; Quét gương mặt và xác thực OTP. Đa số cho biết quá trình này diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, trên các hội nhóm công nghệ, nhiều người phản ánh tình trạng gặp khó khăn, phần lớn ở khâu quét NFC trên CCCD. Người dùng quét NFC trên CCCD gắn chip để xác thực dữ liệu trên app ngân hàng. Ảnh: Khương Nha Thu Minh, nhân viên văn phòng tại TP HCM, cho biết đang có tài khoản tại hai ngân hàng và một ví điện tử. Sau khi hoàn thành bước chụp ảnh CCCD, iPhone 15 Plus của cô liên tục báo lỗi dù đã thay đổi vị trí quét NFC. "Tôi gọi lên ngân hàng và được hướng dẫn chi tiết nhưng vẫn không làm được. Tổng đài viên xác nhận nhiều người cũng gặp trường hợp tương tự và gợi ý tôi đổi tạm sang điện thoại Android để hoàn thành các bước", Minh kể. Trong khi đó, Phú Dũng (Hà Nội) nói đang dùng iPhone 6 Plus. Đến bước xác thực khuôn mặt, app ngân hàng thông báo thiết bị không hợp lệ để thu thập dữ liệu. Gọi lên tổng đài, anh được giải thích đây không phải lỗi liên quan đến chất lượng hình ảnh, mà do iPhone 6 không hỗ trợ NFC, nên được đề nghị nâng cấp máy từ iPhone 7 trở lên. Giám đốc công nghệ một ngân hàng lớn cho biết hầu hết vướng mắc xuất phát từ việc người dùng không xác định được vị trí đầu đọc NFC trên thiết bị. Ông lấy ví dụ, trên thế hệ iPhone 15, vị trí đầu đọc chip nằm ở mép trên của điện thoại thay vì nằm ở sát camera như những model khác. Phần lớn điện thoại có NFC tự động "bắt" được chip, nhưng một số thiết bị đòi hỏi người dùng phải vào phần cài đặt để bật tính năng NFC. Theo ông Đỗ Duy Phong, Giám đốc công nghệ một startup chuyên cung cấp giải pháp kết nối không dây ở TP HCM, về lý thuyết, thiết bị đọc NFC như iPhone và nhiều điện thoại Android hoạt động ổn định. Nhưng để việc quét chip NFC diễn ra mượt mà, cần đồng bộ về cả phần cứng lẫn phần mềm. Ngoài ra không loại trừ khả năng người dùng thao tác sai, không tháo ốp lưng hoặc đặt CCCD trên mặt phẳng kim loại dẫn đến việc bị nhiễu sóng. "Nhiều người nhầm lẫn là cầm CCCD, rà khắp mặt lưng điện thoại để đọc. Tuy nhiên cách làm đúng là cố định CCCD ở một chỗ, trên mặt phẳng (như trên bàn), sau đó đưa smartphone lại gần để đọc. Ngoài ra, sau thời gian sử dụng, chip có thể bị bám bẩn, khiến quá trình đọc khó khăn. Lúc này người dùng nên lau sạch CCCD và thử lại", ông Phong nói. "Bên cạnh đó, một số smartphone cấu hình mạnh nhưng không có đầu đọc NFC. Hiện chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ khách hàng sử dụng những thiết bị này, nhưng đây cũng là trở ngại với nhóm khách của ví điện tử", đại diện một ví điện tử nói. Trong khi đó, nếu điện thoại không có NFC, người dùng có thể đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để được hỗ trợ. Quỳnh Trang - Khương Nha Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ