Trung Quốc cấm ChatGPT khiến một phần trong bộ tính năng Apple Intelligence của "Quả táo" không thể dùng được ở đất nước tỷ dân. Đầu tháng 6, Apple giới thiệu loạt tính năng trí tuệ nhân tạo với một trong các điểm nhấn là hợp tác cùng OpenAI để sử dụng ChatGPT. Cú bắt tay được kỳ vọng sẽ giúp nhà sản xuất iPhone đáp trả các đối thủ trên thị trường như Microsoft, Google khi họ đều đã có dấu ấn riêng trong cuộc đua AI. Tuy nhiên, theo CNN, việc đầu tư vào tính năng AI để thúc đẩy doanh số tại thị trường lớn Trung Quốc có thể sớm bị "dội gáo nước lạnh". Quốc gia này sẽ cấm ChatGPT, công cụ trí tuệ nhân tạo được tích hợp vào Siri thời gian tới. Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc áp dụng luật quản lý đối với công nghệ AI tạo sinh. Tháng 8/2023, cơ quan Quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) công bố hướng dẫn tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp AI trong nước, yêu cầu doanh nghiệp phải xin cấp phép trước khi triển khai thương mại. Tính tới tháng 3/2024, CAC mới thông qua hơn 100 mô hình AI cho các doanh nghiệp Trung Quốc, dù ngành này đang bùng nổ. Trang WSJ tiết lộ Apple đang tìm kiếm đối tác là doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực AI để chuẩn bị cho hoạt động ra mắt iPhone mới vào tháng 9 sắp tới. Công ty muốn một lựa chọn thay thế ChatGPT nhưng hiện kế hoạch này chưa có tín hiệu nào khả quan. Apple Intelligence là bộ tính năng quan trọng nhất trên các hệ điều hành mới cho iPhone, iPad, máy tính Mac. Khó khăn mới đến với Apple trong bối cảnh doanh số iPhone đang giảm tới 10% trong quý đầu năm, chủ yếu do sức bán iPhone thấp tại Trung Quốc, theo IDC. Các chuyên gia nhận định lý do là bởi tinh thần dân tộc của nền kinh tế lớn này tăng cao, người dân chuyển sang sử dụng sản phẩm nội địa. Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ hai của Apple. Ngoài trở ngại với thị trường Trung Quốc, Apple Intelligence cũng có thể không được tích hợp trên thiết bị của hãng bán tại châu Âu trong năm nay do liên quan đến Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA). DMA do Liên minh châu Âu ban hành nhằm khích lệ môi trường cạnh tranh nhưng cũng khiến Apple lo ngại về rủi ro tiềm tàng liên quan tới bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng. Theo Bloomberg, Apple nhấn mạnh tác động tiềm ẩn từ yêu cầu trong DMA liên quan đến tính toàn vẹn sản phẩm. Đây là lý do khiến một số tính năng liên quan Apple Intelligence, bao gồm cả cải tiến iPhone Mirroring và chia sẻ màn hình SharePlay sẽ tạm hoãn phát hành tại EU. Tuy nhiên, "Quả táo" cũng xác nhận việc trì hoãn này không phải "dừng hoàn toàn". Chia sẻ trên Financial Times, công ty bày tỏ kỳ vọng có thể tìm được cách phù hợp để đưa tính năng đến với các nước EU. Apple có thể điều chỉnh cách hoạt động của AI để giải quyết vấn đề, ví dụ mở rộng khả năng hoạt động với thiết bị chạy nền tảng khác ngoài hệ sinh thái của hãng. Apple Intelligence phải đến tháng 9 mới tung ra các bản thử nghiệm trước khi có thể được giới thiệu rộng rãi vào cuối năm. Hãng vẫn còn thời gian để giải quyết các vấn đề pháp lý hoặc tùy chỉnh hệ thống để phù hợp với quy định của EU. Giới công nghệ đánh giá đây là "cuộc chiến" quan trọng với cả hãng lẫn ngành công nghệ nói chung, khi các công ty đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cân bằng giữa đổi mới và tuân thủ quy định ở những thị trường đang hoạt động. Hoài Anh Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ