Ung thư là bệnh được tạo nên bởi nhiều yếu tố, khó xác định được nguyên nhân và thời điểm mắc ở từng cá nhân, do đó người trẻ, khỏe vẫn nguy cơ mắc. Tỷ lệ ung thư ở những người dưới 50 tuổi - được gọi là ung thư khởi phát sớm - đã tăng trên toàn thế giới kể từ năm 1990. Đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi 40 chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những chẩn đoán đó. Việt Nam ghi nhận khoảng 182.000 ca mắc mới ung thư, 122.000 người chết vì bệnh này, mỗi năm. Tỷ suất mắc mới của Việt Nam xếp 91, song tỷ suất tử vong lại xếp 50 trên tổng cộng 185 nước và xu hướng tuổi "trẻ hóa". Ngoài ung thư gan, phổi, các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp ung thư vú, dạ dày, đại tràng, buồng trứng ở tuổi thanh niên - bệnh trước đây thường gặp ở tuổi trung niên. Lý giải tình trạng này, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K Trung ương) cho biết ung thư bắt đầu từ các tế bào phát triển không kiểm soát, tạo thành một khối u ác tính và lan rộng, có thể di căn đến nhiều bộ phận khác. Hiện nhiều loại ung thư chưa tìm được nguyên nhân chính xác, song các nghiên cứu cho thấy bệnh này là do nhiều yếu tố phối hợp tạo nên, như lối sống, môi trường, thói quen, tuổi tác, di truyền... Một số người sẽ có những đột biến di truyền được thừa hưởng từ cha mẹ hoặc tạo nên trong quá trình người mẹ mang thai. Số khác lớn lên trong môi trường ô nhiễm từ không khí, đất hoặc nước; sống ở những khu vực có nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thường xuyên sử dụng các thức ăn này. Hoặc, người dân có thể tự nấu ăn tại nhà, song không thể kiểm soát hoàn toàn nguồn gốc của các loại thịt, cá, hoa quả. Trong khi, một số thực phẩm lạm dụng chất bảo quản để tươi ngon; hay các loại thuốc, thực phẩm chức năng không ghi rõ thành phần, công dụng. Người không hút thuốc nhưng trong nhà có người hút thuốc cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi ở người không hút thuốc chủ yếu xảy ra ở nữ, đa phần là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, 15-35% trường hợp là do tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Ngoài khói thuốc lá, một số yếu tố nguy cơ gây phát triển ung thư phổi ở người không hút thuốc như khói nấu ăn, ô nhiễm môi trường, bệnh phổi tiềm ẩn, virus gây ung thư... Một số thói quen xấu như tích trữ thức ăn không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ nấm mốc, sản sinh độc tố gây ung thư gan. Ăn nhiều mỡ, đường, thịt đỏ, thực phẩm chế biến, thiếu chất xơ, cũng là thói quen gây hại sức khỏe, dẫn đến béo phì và tiềm ẩn gây ung thư. Các tác nhân vật lý như tia bức xạ, ánh nắng mặt trời, hay tác nhân hóa học phẩm nhuộm... cũng là một trong nguyên nhân gây bệnh. Hoặc chúng ta bị nhiễm các virus, vi khuẩn kích thích hình thành ung thư như vi khuẩn HP, HPV, virus viêm gan B, C... Do đó, các yếu tố quyết định thời điểm và cách thức một người nào đó mắc ung thư là duy nhất, không có "công thức chung" cho tất cả. Việc xác định chính xác thời điểm và nguyên nhân mắc bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát của mỗi cá nhân, đó là lý do tại sao một số người hút thuốc không bao giờ bị ung thư và những người khác có thể trạng tốt nhất, sinh hoạt lành mạnh nhất vẫn bị bệnh. Nhân viên y tế xạ trị cho một bệnh nhân ung thư. Ảnh: Quỳnh Trần Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng ung thư là bệnh lý di truyền, như vú, buồng trứng, dạ dày, đại tràng... nên có thể nhiều người độ tuổi 30-50 mắc bệnh này. Ngoài ra, trình độ y khoa phát triển, sự quan tâm đến sức khỏe của người dân cũng tăng lên, nhiều người đi khám và tầm soát thường xuyên, khiến ung thư được phát hiện sớm. "Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang bởi y học ngày càng phát triển, giúp nhiều người chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, tùy loại và giai đoạn bệnh", bác sĩ Nam nói. Một số loại ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như ung thư tuyến giáp, vú, tiền liệt tuyến, đại tràng... Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo người dân có phương pháp giảm tất cả yếu tố nguy cơ. Ví dụ, gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư, các thành viên cần lưu ý thăm khám sàng lọc và tầm soát định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị hay thức ăn bị mốc; tăng cường hoa quả, rau và các loại vitamin. Tiêm vaccine ngừa một số bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, C và tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung. Thùy An Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress