Nvidia - từ ba lần suýt phá sản đến công ty giá trị nhất thế giới

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Jun 19, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 117)

    Hơn 30 năm qua, những khoảnh khắc Nvidia bên bờ vực sụp đổ được cho là đã in sâu trong tâm trí CEO Jensen Huang như hình xăm logo trên cánh tay ông.


    "Từ 1993 đến 1997, chúng tôi gần như phá sản tới ba lần. Một trong những điều CEO Jensen Huang từng nói là chúng tôi còn 30 ngày nữa là ngừng kinh doanh", tỷ phú Mark Stevens, một trong những người đầu tiên tham gia Nvidia năm 1993, nói với Forbes cuối tuần qua.

    Nvidia vừa vươn lên đỉnh cao vào ngày 18/6 khi giá trị vốn hóa của công ty công nghệ này vươn lên mức cao nhất thế giới với 3.340 tỷ USD. Hãng cũng chỉ cần 96 ngày để tăng vốn hóa từ mốc 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ USD, trong khi Microsoft cần 945 ngày còn Apple là 1.044 ngày.

    [​IMG]

    CEO Nvidia Jensen Huang tại triển lãm Computex 2024 đầu tháng 6 ở Đài Loan. Ảnh: Khương Nha


    Tuy nhiên, giai đoạn tăng trưởng thần tốc của Nvidia mới từ tháng 1/2023 khi cơn sốt AI bùng nổ toàn cầu. Còn trước đó, họ không phát triển nhanh chóng như các hãng công nghệ hàng đầu, thậm chí có những giai đoạn "bên bờ vực".

    Tháng 4/1993, Jensen Huang cùng Chris Malachowsky và Curtis Priem thành lập Nvidia với nguồn vốn 40.000 USD - số tiền hiện bằng giá mẫu GPU H100. Họ cùng bàn bạc kế hoạch khởi nghiệp tại quán Denny's ở San Jose, California. Không ai chú ý đến ba vị khách gọi cà phê nhiều lần này, trừ nhân viên phục vụ. Khi Huang nói đang sản xuất card đồ họa cho game, mẹ của ông khuyên nên tìm một công việc nào ra hồn.

    Sau đó, nhóm sáng lập tiến hành tìm kiếm đối tác đầu tư. Mark Stevens chính là người đầu tiên gia nhập Nvidia. Ông khi đó làm tại VC Sequoia, quỹ được sáng lập bởi Don Valentine. VC Sequoia đã đầu tư một triệu USD và định giá Nvidia ở mức 7 triệu USD, theo PitchBook. Stevens tham gia hội đồng quản trị công ty. "Tôi đến Nvidia không vì tiền. Tôi yêu hội đồng này và nghĩ nó có thể là hội đồng quản trị tốt nhất ở Mỹ", Stevens kể.

    Trong khi đó, Brooke Seawell, nhà đầu tư mạo hiểm hiện tại, được thuyết phục tham gia hội đồng quản trị Nvidia từ năm 1997. "Nvidia hoạt động trong lĩnh vực chip đồ họa siêu cạnh tranh, còn CEO mới hơn 30 tuổi, chưa từng là phó chủ tịch của bất cứ công ty nào trước khi thành lập Nvidia", Seawell nhớ lại.

    Song song với kêu gọi đầu tư, Nvidia bắt đầu sản xuất sản phẩm đầu tiên năm 1995. Thế nhưng, card đồ họa này bị xem là "thảm họa", khiến Huang buộc phải sa thải một nửa lực lượng lao động.

    Hết tiền, đối mặt nguy cơ phá sản, ông đặt cược vào mẫu chip 1997. Theo một podcast đăng trên kênh của VC Sequoia, trong quá trình phát triển chip thứ hai, Huang và đội ngũ nhận thấy kiến trúc hoàn toàn sai. Ông tìm cách xoay chuyển tình thế bằng cách thiết kế ngược lại trong phiên bản thứ ba, đồng thời ưu tiên phát triển phần mềm trước.

    Cách làm này đã cứu Nvidia. Trong bối cảnh cạn vốn, chip giúp công ty "về từ cõi chết". Quan trọng hơn, doanh số tốt mang lại cho Huang và đội ngũ lãnh đạo Nvidia niềm tin, rằng họ bắt đầu đi đúng hướng.

    Đến 1999, Nvidia niêm yết lên sàn, mở đầu hơn 10 năm tàn khốc với hai lần gần phá sản khác bởi bong bóng dot-com và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giá trị vốn hóa của công ty chưa bao giờ vượt 10 tỷ USD cho đến 2014. Năm 2021, công ty từng đạt 800 tỷ USD nhưng sau đó lại sụt giảm.

    Đầu 2022, hãng công bố bước đột phá quan trọng: H100 - bộ xử lý đồ họa GPU mạnh nhất từng chế tạo, nhưng gần như không được quan tâm. Giới chuyên gia nhận định công ty chọn sai thời gian công bố, bởi các doanh nghiệp công nghệ đang thắt chặt chi tiêu và liên tục sa thải nhân sự.

    Tháng 11 cùng năm, ChatGPT trình làng. Hai tháng sau, cơn sốt cơn sốt AI tạo sinh diễn ra trên toàn cầu. Nhu cầu xây dựng các trung tâm dữ liệu để huấn luyện AI khiến chip H100 trở được săn lùng và trở nên khan hiếm. Nvidia nhanh chóng gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ USD cùng với Apple, Microsoft, Google và Amazon năm ngoái trước khi leo lên đỉnh thế giới hiện tại.

    Nhớ lại khoảng thời gian này, Huang nói ông không muốn quay lại cách đây 30 năm để thành lập công ty, sau những gì đã trải qua. Ông cũng xăm logo Nvidia lên cánh tay, xem công ty như một phần của cơ thể.

    "Khi đó, nếu nhận ra sự đau đớn và khổ sở sắp diễn ra, những tổn thương sắp tới, những thử thách sắp phải chịu đựng, sự bối rối, xấu hổ cùng danh sách dài những thứ không ổn, tôi nghĩ bản thân đã không thành lập công ty và cũng không có ai dám làm điều này", Huang nói trong podcast của Acquired vào tháng 10/2023. "Không ai đủ tỉnh táo để làm điều đó".

    Theo Huang, việc điều hành Nvidia "khó gấp triệu lần" so với những gì ông có thể tưởng tượng. Ông nói để vượt qua, bản thân phải "tự đánh lừa bộ não", rằng mọi thứ đều trở nên dễ dàng khi cố gắng. Theo ông, chìa khóa "sống sót" trong hành trình khởi nghiệp là "được bao quanh bởi những người chưa một lần từ bỏ công ty", cũng như các nhân viên luôn ủng hộ ông.

    Năm ngoái, Huang được đánh giá là người thành công nhất năm, sau ca sĩ Taylor Swift. Theo New Yorker, phương châm không chính thức của Nvidia là khẩu hiệu Huang đặt ra từ những năm đầu khởi nghiệp đầy bất ổn: "Công ty của chúng ta còn 30 ngày nữa là ngừng hoạt động".

    Seawell, người tham gia hội đồng quản trị Nvidia gần 27 năm, cho rằng sự lãnh đạo của Huang đã lèo lái hoạt động kinh doanh của công ty một cách ổn định sau thời gian dài gian khó.

    "AI là khái niệm đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Nhưng Jensen thấy rằng với đủ sức mạnh tính toán, nó có thể trở nên thiết thực và thực tế hơn. Ông ấy đã đúng", Seawell nói với Forbes. "Jensen sẽ là người đầu tiên nói rằng Nvidia đã trải qua rất nhiều thăng trầm và phạm rất nhiều sai lầm. Nhưng cũng là Nvidia đã học được từ những sai lầm của mình và không ngừng tiến bộ hơn".

    Bảo Lâm

    • Cách quản lý đặc biệt của CEO Nvidia Jensen Huang
    • Nhóm tinh hoa công nghệ bán dẫn hội tụ tại chợ đêm
    • CEO Nvidia mê việc thế nào

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Nvidia - từ ba lần suýt phá sản đến công ty giá trị nhất thế giới

Share This Page