Một con rùa da Tây Thái Bình Dương di cư từ nơi làm tổ trên quần đảo Solomon lặn sâu tới 1.344 m để kiếm ăn, gây bất ngờ cho các nhà khoa học. Rùa da đeo thẻ hướng ra biển sau khi làm tổ trên quần đảo Solomon. Ảnh: Justine E. Hausheer Đầu năm nay, con rùa da Tây Thái Bình Dương (Dermochelys coriacea) rời nơi làm tổ trên quần đảo Solomon và lặn xuống độ sâu 1.344 m bên dưới mặt biển, theo tổ chức môi trường The Nature Conservancy, Live Science hôm 14/6 đưa tin. Ở độ sâu đó, nó phá vỡ kỷ lục thế giới Guinness hiện nay dành cho rùa lặn sâu nhất (1.280 m) mà một con rùa da khác đạt được. Để so sánh, tàu ngầm của Hải quân Mỹ có thể lặn sâu 900 m trong khi chuyến lặn sâu nhất có bình dưỡng khí của con người là 332 m. Các nhà khoa học ghi nhận dữ liệu trong nghiên cứu theo dõi bằng vệ tinh nhằm bảo vệ loài rùa da. Một trong số những con rùa đeo thẻ thậm chí bơi qua cả Thái Bình Dương. Peter Waldie, nhà khoa học hải dương phụ trách Chương trình quần đảo Solomon của The Nature Conservancy mô tả chuyến lặn sâu và hành trình di cư trên "thực sự đáng kinh ngạc". "Rùa da là một sinh vật đặc biệt trên thế giới", Waldie nhận xét. "Khả năng bơi không ngừng nghỉ qua Thái Bình Dương và lặn sâu hơn tàu ngầm hải quân chỉ với một hơi thở của chúng khiến tôi vô cùng kinh ngạc". Phát ngôn viên của tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness cho biết họ đang làm việc với các chuyên gia để xác nhận kỷ lục mới, thường là sau công bố khoa học. "Đối với kỷ lục tự nhiên và khoa học kiểu này, chúng tôi sẽ chờ sau khi phát hiện được thẩm duyệt và công bố trên tạp chí trước khi xem xét", phát ngôn viên cho biết. Rùa da tiến hóa nhiều đặc điểm thích nghi để lặn sâu. Dù hít thở như con người, rùa da có thể nín thở lâu hơn nhiều và ở dưới nước khoảng 90 phút mỗi lần. Lớp mai chuyên biệt của chúng cũng co lại và nở ra theo thay đổi áp suất, giúp chúng sống sót trước áp suất cực hạn dưới biển sâu. Các nhà khoa học đưa ra một vài giả thuyết về lý do rùa da lặn sâu như vậy, nhưng nghiên cứu theo dõi chỉ ra chúng lặn để ăn sứa, loài di chuyển lên xuống theo cột nước. Rùa da dành phần lớn thời gian ở biển, nhưng rùa cái lên bờ trong thời gian ngắn để đẻ trứng. Rùa da làm tổ ở quần đảo Solomon thuộc quần thể Tây Thái Bình Dương cực kỳ nguy cấp, bao gồm ước tính 1.400 con trưởng thành trong độ tuổi sinh sản, theo The Nature Conservancy. Từ năm 2022, Waldie và đồng nghiệp đeo thẻ cho 17 con rùa da làm tổ ở tỉnh Isabel trên quần đảo Solomon, nơi các nhân viên địa phương của The Nature Conservancy bảo vệ rùa biển và trứng của chúng khỏi thợ săn trộm và động vật ăn thịt. Con rùa da lập kỷ lục đẻ trứng trên bãi biển Sasakolo. Nhân viên địa phương gọi nó là "Uke Sasakolo", có nghĩa là "đến từ Sasakolo". Nó phá vỡ kỷ lục lặn sâu hiện nay hôm 25/3, không lâu sau khi rời nơi làm tổ, theo Waldie. Uke Sasakolo làm tổ trong mùa sinh sản ở quần đảo Solomon, diễn ra từ tháng 11 đến tháng 1. Những con rùa đeo thẻ thường di cư tới vùng biển nam Australia và New Jealand sau đó. Tuy nhiên, một con rùa đến đảo vào tháng 6 bơi về hướng đông. Con rùa tên "Aunty June" đã bơi ngang qua Thái Bình Dương và tới khu vực kiếm ăn ngoài khơi Baja California, Mexico. Waldie hy vọng nghiên cứu sâu hơn sẽ giúp xác nhận liệu những con rùa làm tổ giữa năm như Aunty June có thường bơi theo lộ trình di cư về hướng đông hay không. An Khang (Theo Live Science) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress