Hà NộiSau 9 ngày được sinh "thuận tự nhiên", bé gái ở Thanh Trì nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tử vong do nhiễm khuẩn sơ sinh. "Tôi rất phẫn nộ khi cháu sinh ngay ở Hà Nội nhưng lại không được chăm sóc sức khỏe khi sốt, không được tiêm chủng", ông Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, nói hôm 13/6, khi nhận định về trào lưu sinh "thuận tự nhiên". Theo đó, tháng 9/2023, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận em bé 9 ngày tuổi, trong tình trạng tăng trương lực cơ, gồng cứng người, bỏ bú, vàng da, rốn nề. Các bác sĩ đã hồi sức tích cực nhưng trẻ tử vong do nhiễm khuẩn sơ sinh, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng... Bệnh án ghi em bé là con thứ ba, sinh "thuận tự nhiên" tại nhà, không được cắt dây rốn, bánh nhau được đặt trong chậu muối đã được rang khô. Ngày thứ 3 dây rốn tự rụng, đến ngày thứ 7 trẻ sốt nhẹ (mẹ không rõ nhiệt độ), nhưng không đưa trẻ đi khám, tự xử lý bằng phương pháp da kề da, vắt sữa cho con uống bằng thìa. Người mẹ không tiêm vaccine uốn ván khi mang thai. Bệnh viện đã thông báo với cơ quan công an và Bộ Y tế về ca bệnh này. Tương tự, năm 2022, Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM, tiếp nhận sản phụ nhập viện trong đêm với tình trạng thiếu máu nặng, nguy cơ đờ tử cung, em bé chưa được cắt rốn. Nhân viên y tế phải thuyết phục nhiều lần sản phụ mới đồng ý khâu vết rách khá rộng ở tầng sinh môn với yêu cầu "không được chích thuốc tê, không tiêm kháng sinh, chấp nhận mọi rủi ro". Chị sinh con lần ba tại nhà, theo phương pháp thuận tự nhiên. Em bé chào đời được cắt dây rốn, da kề da với mẹ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Hiện chưa có thống kê chính xác về số ca sinh "thuận tự nhiên" tại Việt Nam, nhưng các bệnh viện trên cả nước đã ghi nhận nhiều mẹ con sản phụ nhập viện nguy kịch sau khi áp dụng phương pháp này. Mới đây nhất, một tài khoản mạng xã hội chia sẻ quá trình sinh con "thuận tự nhiên" tại nhà với hình ảnh em bé tím tái, không cắt dây rốn, còn người mẹ ngâm mình trong chậu nước lớn. Bài viết nhận được hàng trăm nghìn lượt quan tâm, chia sẻ và bình luận trái chiều. Đa số mọi người bày tỏ sợ hãi, lo lắng cho sức khỏe của hai mẹ con. Trong khi số khác cho rằng đây là phương pháp tổ tiên từng áp dụng, nhiều người sinh thành công. Thực tế, trào lưu này xuất hiện ở Mỹ, Australia từ năm 1974 và trỗi dậy mạnh mẽ vào năm 2008 tại Anh. Theo đó, cha mẹ muốn sinh con tại nhà để thuận tự nhiên, đồng thời họ giữ nguyên dây rốn của đứa bé dính liền bánh nhau đến khi hai phần này tự hủy. Họ cho rằng em bé sẽ nhận được tất cả chất dinh dưỡng từ bánh nhau, bao gồm cả các tế bào gốc và lượng máu dồi dào còn lại. Việc cắt rốn sớm có thể gây tổn thương và stress, khiến trẻ chậm phát triển. Tuy nhiên, Hiệp hội sản phụ khoa Anh khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học nào cũng như không có bằng chứng cho thấy việc này mang lại lợi ích cho trẻ. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo việc cắt rốn cho bé cần được thực hiện 1-3 phút sau khi sổ nhau, thực hiện da kề da mới có lợi cho bé. Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội), cảnh báo sinh con tại nhà không có sự hỗ trợ của chuyên gia y tế là nguy hiểm, có thể gây tử vong cho cả mẹ lẫn thai nhi, tuyệt đối không áp dụng. Theo bác sĩ Thành, các sản phụ cần phải phân biệt đỡ đẻ tại nhà và sinh con "thuận tự nhiên". Với đỡ đẻ tại nhà, sản phụ vẫn được được sự hỗ trợ, chăm sóc của bác sĩ có kinh nghiệm, sinh con an toàn. Trường hợp sinh thuận tự nhiên, sản phụ và gia đình không thể nắm được diễn biến sức khỏe để kịp thời hỗ trợ, mẹ có nguy cơ băng huyết, tiền sản giật, tai biến rất nặng nề. Ngoài ra, mẹ ngâm mình trong chậu nước có nguy cơ nhiễm khuẩn, rách âm đạo, thậm chí rách tầng sinh môn, vỡ tử cung, rách vết mổ,... Trường hợp mẹ có bệnh lý kèm theo như bệnh tim, tăng huyết áp tiền sản giật, nguy cơ tử vong càng cao hơn. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2023 cho thấy trong số 600 nghìn ca tử vong liên quan đến thai sản, 40% chết do biến chứng lúc sinh, sau sinh và nhiễm khuẩn huyết. Tất cả đều do thiếu chăm sóc và cấp cứu sản khoa phù hợp khiến phụ nữ mang thai phải tự xoay sở. Còn bác sĩ Lưu Quốc Khải, nguyên Trưởng Khoa Đẻ 2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết sau sinh, hệ miễn dịch trẻ rất yếu ớt, cần được theo dõi sát nhịp thở, màu da, đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn. Nếu chào đời trong môi trường không đảm bảo, không được vệ sinh sạch sẽ, trẻ có nguy cơ nhiễm trùng, suy hô hấp, nguy hiểm tính mạng. Chưa kể, việc lưu giữ bánh nhau không có giá trị, thậm chí còn tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bởi bản chất bánh nhau là máu, sau 6 tiếng sẽ bị hoại tử. Sau sinh, các mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ để hấp thu dinh dưỡng tốt, tăng đề kháng cơ thể. Trẻ cần tiêm ngừa một số vaccine cần thiết để phòng ngừa bệnh. Sản phụ sinh con tại nhà có sự hỗ trợ của bác sĩ, điều dưỡng. Ảnh: Nhân vật cung cấp Chuyên gia khuyến cáo thai phụ nên khám thai định kỳ và sinh con tại các cơ sở y tế được cấp phép để được chăm sóc cũng như điều trị phù hợp. Mẹ bầu cần tôn trọng chỉ định y khoa, không tự ý sinh con "thuận theo tự nhiên". Trường hợp mẹ khỏe mạnh, có nhu cầu sinh tại nhà, cần tham khảo ý kiến bác sĩ và phải có bác sĩ hỗ trợ trong suốt cuộc chuyển da. Sau sinh, bé phải cắt dây rốn, được da kề da với mẹ theo đúng chuẩn. Gia đình nên tham khảo thông tin có chọn lọc, không nên quá cực đoan hay chạy theo phương pháp không được kiểm chứng. "Sinh con tại cơ sở y tế, bệnh viện là an toàn nhất. Nếu có biến chứng, bác sĩ có thể xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho hai mẹ con", bác sĩ Thành cho hay. Thùy An Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress