Phát hiện ung thư thanh quản sau khàn tiếng kéo dài

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jun 11, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 43)

    Hà NộiSau 3 tháng khàn tiếng kéo dài và tăng dần, người đàn ông 65 tuổi đi khám, phát hiện ung thư thanh quản, phải phẫu thuật.


    Ngày 11/6, BSCKI. Vũ Duy Khánh, khoa Tai – Mũi - Họng, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cho biết ê kíp nội soi tai mũi họng, phát hiện khối u nghi ngờ ung thư ở thanh quản. Kết quả sinh thiết sau đó cho thấy ung thư biểu mô vảy dây thanh bên phải.

    Bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp cổ - lồng ngực, siêu âm vùng cổ và nội soi tiêu hóa nhằm loại trừ trường hợp có khối u thứ phát. Các thăm dò cho thấy đây là một ung thư thanh quản hạ thanh môn giai đoạn 3, nếu không điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ di căn xa.

    Sau hội chẩn, các bác sĩ phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần và nạo vét hạch cổ hai bên cho người bệnh. Tùy tình trạng, bệnh nhân sẽ được hóa xạ trị bổ sung.

    "Đối với phẫu thuật cắt bỏ thanh quản, thách thức cho bác sĩ là các mạch máu lớn và dây thần kinh quan trọng đều tập trung ở vùng cổ. Vì vậy, ê kíp không chỉ cần loại bỏ vùng bệnh, mà phải đảm bảo không có di chứng", bác sĩ Khánh nói.

    Hiện, sức khỏe người đàn ông ổn định, không có chỉ định hóa xạ trị, tái khám định kỳ.

    [​IMG]

    Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


    Ung thư thanh quản xảy ra khi các tế bào ác tính hình thành trong mô thanh quản. Bệnh thường gặp ở nam giới, chiếm trên 90%; độ tuổi phổ biến từ 50-70 tuổi.

    Ở giai đoạn đầu, bệnh không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, do vậy người mắc thường bỏ qua hoặc lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác. Các triệu chứng có thể bao gồm khàn tiếng, ho khan, khó chịu ở họng, cảm giác như có dị vật mắc ở họng, rối loạn nuốt, khó thở... Trong đó, khàn tiếng là triệu chứng sớm và phổ biến, biểu hiện giọng khàn, kéo dài và tăng dần, dùng thuốc không đỡ.

    Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm: hút thuốc lá và uống rượu thường xuyên, gia đình có người mắc ung thư vùng đầu - cổ, tiền sử nhiễm HPV. Ngoài ra có một số bệnh lý làm tăng nguy cơ như trào ngược dạ dày, thoát vị thanh quản, u nhú thanh quản.

    PGS.TS Võ Thanh Quang, Phó tổng giám đốc, cho biết hiệu quả điều trị ung thư thanh quản phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện bệnh ở giai đoạn nào. Nếu được điều trị ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn, tỷ lệ chữa khỏi là 80%. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể phải chịu những tổn thất như cắt toàn bộ thanh quản, ảnh hưởng sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

    Để phòng bệnh ung thư thanh quản, các bác sĩ khuyên không lạm dụng thuốc lá và rượu, nên khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, khi có dấu hiệu khàn tiếng kéo dài, mức độ ngày càng tăng, không đáp ứng thuốc, cần khám tầm soát ung thư thanh quản sớm.

    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Phát hiện ung thư thanh quản sau khàn tiếng kéo dài

Share This Page