Con cá mặt trăng thuộc phân loài chỉ sống ở vùng biển ôn đới tại Nam bán cầu mắc cạn trên bờ biển bang Oregon, thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Con cá mặt trăng hiếm gặp mắc cạn nhiều ngày trên bãi biển. Ảnh: Tiffany Boothe Con cá mặt trăng hoodwinker (Mola tecta) dài 2,2 m xuất hiện lần đầu tiên trên bãi biển ở Gearhart hôm 3/6, theo Thủy cung Seaside. Xác nó vẫn nằm trên bãi biển hôm 7/6 và có thể lưu lại đó nhiều tuần do động vật ăn xác thối rất khó làm thủng lớp da dày của nó. Những bức ảnh do thủy cung chia sẻ ghi lại khoảnh khắc con cá lớn tròn dẹt màu xám nằm úp sấp trên mặt cát. Một người ngồi xổm cạnh đó và chiếc xe bán tải đậu kế bên góp phần giúp hình dung kích thước lớn của con vật, theo Phys.org. Loạt ảnh về xác cá mặt trăng thôi thúc một nhà nghiên cứu New Zealand liên lạc với thủy cung. Sau khi xem xét kỹ ảnh chụp, Marianne Nyegaard có thể xác nhận đó thực sự là cá mặt trăng hoodwinker, không phải loại cá mặt trăng đại dương (Mola mola) phổ biến hơn. Nyegaard cho rằng đây có thể là con cá mặt trăng lớn nhất từng được lấy mẫu vật. Trong nghiên cứu công bố năm 2017, thông qua mẫu vật di truyền và quan sát, Nyegaard phát hiện cá mặt trăng hoodwinker là một loài khác với cá mặt trăng đại dương. Từ tecta trong tiếng Latinh có nghĩa là ẩn giấu hoặc ngụy trang, dùng để chỉ một loài mới "ẩn mình ngay trong tầm mắt". Kết quả nghiên cứu cho thấy cá mặt trăng hoodwinker trưởng thành có cơ thể trơn láng và thuôn hơn các loài họ hàng. Chúng cũng mọc nhiều bướu như đồng loại. Nyegaard và cộng sự nhận thấy cá mặt trăng hoodwinker phân bố ở vùng biển New Zealand, Tasmania, phía nam Australia, Nam Phi và nam Chile, cho thấy loài vật tập trung ở những vùng lạnh thuộc Nam bán cầu. Trước đó, một con cá mặt trăng dạt vào vùng ven biển California năm 2019. Gần đây, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy xác loài này mắc cạn ở California và Alaska, thách thức giả thuyết chúng chỉ sống ở Nam bán cầu. An Khang (Theo Phys.org) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress