Sau khi thu nhỏ dạ dày, bệnh nhân vẫn có khả năng bị béo phì trở lại vì phẫu thuật chỉ là một phần trong quá trình điều trị bệnh. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Thu nhỏ dạ dày là gì? Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày là một phương pháp giảm béo giúp loại bỏ khoảng 70-80% dạ dày theo phía bờ cong lớn nơi có tế bào chết tiết ra hormone Ghrelin (một loại hormone khiến con người có cảm giác đói, thèm ăn). Kết quả thu được sẽ là một ống dạ dày hẹp hơn với thể tích khoảng 150-200 ml. Sau khi tiến hành phẫu thuật, bạn sẽ ăn ít đi, cảm giác nhanh no hơn, khối lượng thức ăn và calo nạp vào cơ thể cũng được giảm xuống. Nhờ đó mà cân nặng sẽ giảm và tình trạng sức khỏe liên quan đến bệnh béo phì cũng sẽ được kiểm soát. Khi nào nên thực hiện phẫu thuật thu nhỏ dạ dày? Bệnh nhân sẽ đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật thu nhỏ dạ dày khi đáp ứng được tối thiểu các yêu cầu gồm: - Có chỉ số BMI trên 40 hoặc một số trường hợp có BMI từ 30-39,9 kèm theo các bệnh lý nghiêm trọng như tiểu đường, tăng huyết áp, nồng độ cholesterol cao, ngưng thở khi ngủ, các bệnh về xương khớp... - Vượt quá số cân nặng cho phép (tối thiểu là 36 kg). - Người béo phì, thừa cân ở độ tuổi từ 18-75. - Người có tiền sử giảm cân thất bại. Sau khi thu nhỏ dạ dày có bị béo phì trở lại không? Sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có khả năng bị béo phì trở lại. - Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày chỉ là một phần trong quá trình điều trị bệnh béo phì. Bên cạnh điều trị ngoại khoa, bệnh nhân cũng cần kết hợp với điều trị nội khoa và điều trị tâm lý. - Bên cạnh đó, việc có thể béo phì trở lại hay không phụ thuộc rất lớn vào chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh sau phẫu thuật. Cần xây dựng một chế độ khoa học, kết hợp với việc tập luyện điều độ hàng ngày để có được hiệu quả tốt nhất. Nên làm gì để không bị béo phì trở lại sau thu nhỏ dạ dày? - Về thói quen ăn uống: Bệnh nhân trong 1 tháng đầu sau khi phẫu thuật cần ăn đồ ăn lỏng, chia thành những bữa nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ, tăng cường sử dụng các loại nước ép hoa quả. Tránh đồ có cồn và các chất kích thích. - Về tập luyện: Ngay từ tuần thứ 2 sau phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn có thể bắt đầu tập luyện với cường độ từ thấp đến cao. Hãy bắt đầu từ những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga cho đến những bài tập cường độ cao hơn như đạp xe, chạy bộ, bơi lội... - Sử dụng thuốc: Dạ dày là vùng cơ quan nhạy cảm, do đó cần dùng thuốc ức chế tiết dịch vị trong 3 tháng đầu. Bên cạnh việc bổ sung các loại vitamin A, D, E, K, cũng cần dự phòng các loại thuốc rối loạn tiêu hóa hay táo bón. Với một số bệnh nhân có bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp hay đái tháo đường, cần trao đổi trước với bác sĩ để điều chỉnh và xây dựng chế độ ăn phù hợp. Mỹ Ý Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress