Biếng ăn là tình trạng giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn ở trẻ nhỏ, khiến trẻ không nhận đủ lượng thức ăn theo nhu cầu, ăn kéo dài trên 30 phút, kén chọn thức ăn. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK1 Lê Thị Vân Anh, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM). Biểu hiện - Trẻ từ chối ăn hoặc từ chối uống sữa, hoặc từ chối cả hai. - Trẻ ăn hoặc uống sữa rất ít. - Trẻ ăn hoặc bú sữa ngậm lâu. - Ăn phải có điều kiện (xem các thiết bị điện tử, chơi đồ chơi, đi rong...). - Trẻ thường than buồn nôn, đau bụng, đau đầu, mắc đi vệ sinh... khi tới giờ ăn, khi nhìn thấy đồ ăn. - Trẻ chỉ ăn được vài món quen thuộc. Nguyên nhân - Các bất thường trên đường tiêu hóa: Chẻ vòm, viêm nướu, viêm loét miệng, đau răng, viêm họng, viêm amidan, viêm mũi họng, viêm thực quản, trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày ruột, viêm tụy... - Do một số bệnh lý: Táo bón, loạn khuẩn đường ruột, ăn ngọt trước bữa chính, ăn quá nhiều đạm. Viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng da, chấn thương... U ác tính. - Do mất cân đối dinh dưỡng: Thiếu một số acid amin, vitamin và khoáng chất như kẽm, vitamin nhóm B, Lysin... - Uống quá nhiều sữa hơn mức cần thiết theo độ tuổi. - Không đa dạng thực phẩm, nhóm chất. - Ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng tuổi) hoặc quá trễ (sau 8 tháng tuổi). - Ăn thô không phù hợp giai đoạn tuổi. - Do sinh lý. - Do tâm lý. - Do ép ăn. - Sợ tăng cân. - Sợ một loại thức ăn nào đó (những thực phẩm gia đình chưa từng ăn, rất ít ăn hoặc bị gán những tác dụng phụ không mong muốn khi ăn). - Ăn phải có điều kiện. - Do ăn ít hơn kì vọng của ba mẹ: Ba mẹ canh giờ cho bú, ăn. Ăn phải hết lượng đã định. Ăn phải giống trẻ cùng tuổi. Cách khắc phục - Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. - Cho trẻ bú mẹ, bú bình khi trẻ đói, ngưng bú khi trẻ no, không dùng khăn, gối kê bình sữa cho trẻ. - Ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi. - Nguyên tắc từ 1 đến 4 nhóm chất, từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc. - Sử dụng cốc thay bình bú để uống nước cho trẻ từ 6 tháng. - Không ăn vặt, bú vặt. Cung cấp mỗi 3 tiếng một bữa ăn hoặc bữa sữa. Khuyến khích trẻ tự cầm bình bú, cốc uống sữa, ăn bằng tay, muỗng tùy độ tuổi. - Ăn tại vị trí được quy định như bàn ăn gia đình, ghế ăn dặm của trẻ. - Theo dõi tốc độ tăng trưởng của trẻ: Cân nặng, chiều dài, chiều cao, vòng đầu (36 tháng đầu). - Không so sánh trẻ với các trẻ khác. - Kiên nhẫn và phối hợp với các bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ nhi loại bỏ nguyên nhân gây chán ăn, giảm đau cho bé. - Nên có một chế độ dinh dưỡng cho trẻ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng. - Không lạm dụng kháng sinh. - Trẻ được khám tìm các triệu chứng thiếu sắt, canxi, kẽm, vitamin A, D, C, nhóm B... để bổ sung phù hợp. - Cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thức ăn và luôn thay đổi món ăn, cách chế biến. - Ở độ tuổi mầm non trở lên, cho bé tham gia vào các khâu lựa chọn thực phẩm, sơ chế, chế biến và thưởng thức thực phẩm. Những điều cần tránh - Gây sao nhãng: Vừa ăn vừa chạy chơi, ăn với thiết bị có màn hình, vừa ăn vừa chơi đồ chơi, bú lúc ngủ. - Kéo dài bữa ăn hơn mức tập trung của bé. - Thức ăn không phù hợp lứa tuổi: Ăn cháo, cháo xay kéo dài. - Không kiên trì khi giới thiệu món mới hoặc bé không được tiếp xúc với món mà gia đình không thích ăn. - Thay thế thức ăn khác nhóm, chẳng hạn chấp nhận bé không ăn thịt, rau, chỉ ăn cơm với nước tương hoặc nước canh để ăn nhiều hơn. - Thông điệp không hợp lý, không nhất quán, khi thì "không ăn thì nhịn", lúc lại "món này ngon, bổ lắm ăn đi mẹ cho đi chơi". - Đem thức ăn làm phần thưởng hoặc khen thưởng liên quan đến chuyện ăn của trẻ. - La ép, dọa, hành hung, năn nỉ, hối thúc... - Ăn một mình, không khí căng thẳng. - Ăn vặt giữa các bữa, ăn đồ ngọt trước bữa chính, ăn quá nhiều đạm. Mỹ Ý Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress