MỹStarship, phương tiện phóng mạnh nhất từng được chế tạo, phóng hôm 6/6 và đạt nhiều mục tiêu chủ chốt trong chuyến bay thử thứ 4. Hệ thống phóng Starship bay thử lần thứ 4. Video: AFP Starship phóng từ cơ sở Starbase của SpaceX ở Boca Chica, Texas, vào 19h50 hôm 6/6 theo giờ Hà Nội. Hệ thống phóng Starship bao gồm tàu vũ trụ Starship ở tầng trên và tên lửa đẩy Super Heavy. Tổng cộng 32 trong số 33 động cơ của phương tiện khai hỏa trong quá trình phóng, theo CNN. Starship vượt qua nhiều cột mốc quan trọng trong chuyến bay thử nghiệm, bao gồm khoang tàu Starship nguyên vẹn sau khi trải qua nhiệt độ cực hạn trong khí quyển Trái Đất, cả khoang tàu và tên lửa đẩy đều hạ cánh an toàn. Tách khỏi tàu vũ trụ, tên lửa đẩy Super Heavy lần đầu tiên xử lý thành công đốt động cơ để hạ cánh và đáp nhẹ nhàng xuống vịnh Mexico khoảng 8 phút sau khi phóng. Trong khi đó, khoang tàu Starship cũng hoàn thành quá trình bay vào quỹ đạo. Khoảng 50 phút sau khi phóng, tàu vũ trụ bắt đầu hành trình hồi quyển có kiểm soát. Plasma tích tụ quanh phương tiện khi tấm chắn nhiệt của nó đối mặt với nhiệt độ cực cao trong khí quyển. Tàu Starship được bao phủ bởi 18.000 tấm ốp ceramic hình lục giác siêu nhẹ, dùng để bảo vệ phương tiện trong lúc hồi quyển. Chuyến bay thử diễn ra hai ngày sau khi Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ, cơ quan cấp phép phóng tên lửa thương mại, thông qua đơn xin cấp phép của SpaceX. Mỗi chuyến bay thử nghiệm của SpaceX có mục tiêu khác nhau nhằm tích lũy kinh nghiệm. Đội phát triển Starship đã cập nhật phần mềm và phần cứng đối với hệ thống phóng để rút kinh nghiệm từ lần bay thử thứ 3. "Chuyến bay thứ 4 của Starship hướng tới tiền gần hơn đến tương lai tái sử dụng nhanh phương tiện phóng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển Starship mau chóng, đặt phần cứng trong môi trường bay để học hỏi nhanh hết mức có thể trong khi xây dựng hệ thống vận chuyển tái sử dụng đầy đủ, dùng để chở người và hàng hóa lên quỹ đạo Trái Đất, Mặt Trăng, sao Hỏa và xa hơn nữa", SpaceX cho biết. Hai chuyến bay thử đầu tiên giúp Starship đạt tốc độ quỹ đạo vào năm 2023 kết thúc bằng những vụ nổ, trong đó tàu vũ trụ và tên lửa đẩy bốc cháy trước khi tiếp đất. Chuyến bay thử thứ ba kéo dài gần một giờ hồi tháng 3/2024 đạt một số cột mốc trước khi vỡ thành nhiều mảnh sau khi hồi quyển, thay vì đáp xuống Ấn Độ Dương như dự kiến. Tên lửa đẩy Super Heavy cũng bị thất lạc sau khi tất cả động cơ của nó không khai hỏa để hạ cánh tự động có kiểm soát trên biển. Trong chuyến bay hôm 6/6, SpaceX thực hiện nhiều cập nhật và thay đổi phần cứng cũng như phần mềm để động cơ tên lửa đẩy hoạt động, Starship cũng được bổ sung thêm động cơ đẩy để ngăn rung lắc ngoài dự kiến như trong chuyến bay thứ 3. Starship là hệ thống phóng trung tâm trong tham vọng đưa con người tới sao Hỏa lần đầu tiên của giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk. Starship là tên lửa cao nhất (120 m) và mạnh nhất từng được chế tạo, có khả năng tạo ra lực đẩy gần 8.000 tấn khi phóng. NASA đã chọn tàu Starship để đưa phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng trong chương trình Artemis. Khi tàu Starship thực hiện hành trình tới Mặt Trăng, nó sẽ phải ở trên quỹ đạo gần Trái Đất trong lúc SpaceX phóng các phương tiện hỗ trợ riêng biệt để tiếp nhiên liệu cho tàu. Nhiệm vụ chở phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng sẽ diễn ra sớm nhất vào năm 2026. An Khang (Theo CNN) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress