Rụng tóc, hói đầu tuổi trẻ bởi áp lực cuộc sống

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jun 1, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 10)

    Tình trạng rụng tóc thường xuất hiện ở nam giới trên 40 tuổi, song hiện không ít người 18-20 tuổi đã bị hói đầu do stress, lối sống buông thả, lạm dụng hóa chất làm đẹp.


    Thông tin được TS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết tại Hội nghị da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 7, ngày 31/5. Đây là dịp các chuyên gia, y bác sĩ nhập nhật kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực chăm sóc, điều trị, thẩm mỹ da, tóc, móng.

    "Bệnh nhân đến viện điều trị rụng tóc ngày càng nhiều và trẻ hóa", TS Hà nói, thêm rằng hiện trung bình mỗi tuần khoa tiếp nhận 50 bệnh nhân đến khám, điều trị rụng tóc, hói đầu, cao gấp đôi so với khoảng chục năm trước. 75% trong số đó là nam giới, nhiều người mới đôi mươi đã hói đầu kèm theo tóc bạc sớm.

    Như một thanh niên 20 tuổi, ở Hà Nội, mỗi lần gội đầu tóc rụng cả nắm nhưng không để ý. Khi tóc thưa dần, thành mảng hói chữ M giống các ông già, bệnh nhân mới đi khám, được dùng thuốc kết hợp với các liệu pháp khác nhằm làm chậm quá trình rụng, kích thích tóc mọc.

    Dấu hiệu rụng tóc kiểu hói ở nam giới có thể xuất hiện từ thời kỳ thanh thiếu niên 14-15 tuổi. Ở giai đoạn dậy thì, các tuyến nội tiết sinh dục tăng cường hoạt động, hormone thuộc nhóm androgen được sản xuất nhiều hơn. Những người có gene gây hói, hormone càng hoạt động mạnh làm cho tình trạng rụng tóc xuất hiện nhiều, sớm hơn.

    Ngoài ra, nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến rụng tóc khác như lạm dụng hóa chất nhuộm tóc, nhuộm với tần suất dày khiến tóc gãy, chẻ và hư tổn, sử dụng lượng nhiệt cao. Stress, căng thẳng thần kinh, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, thức khuya, yếu tố dinh dưỡng, bệnh lý... cũng khiến người trẻ rụng tóc.

    Các nghiên cứu chỉ ra stress khiến giai đoạn rụng tóc dài ra, số lượng tóc rụng nhiều hơn. Khi bị stress, những nang tóc trong giai đoạn phát triển tiến dần vào trạng thái ngừng hoạt động. "Khi căng thẳng, nhiều người có thói quen sờ tay lên da đầu, nhổ tóc, nhất là với học sinh", TS Hà nói, đánh giá 80-90% bệnh nhân rụng tóc mảng gặp stress, căng thẳng, áp lực.

    [​IMG]

    PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hương


    Hiện, có nhiều phương pháp điều trị rụng tóc như dùng thuốc, laser, huyết tương giàu tiểu cầu. Cụ thể, phương pháp sử dụng tia laser có tác dụng tạo nhiệt, tạo tổn thương nhỏ, kích thích nang tóc, giảm viêm, tăng tuần hoàn giúp tóc phát triển. Một số nghiên cứu và thực tế lâm sàng đã cho thấy phương pháp này hiệu quả, đặc biệt với rụng tóc hói ở nam giới.

    Sử dụng botulinum toxin giúp làm giảm sức căng cơ vùng đầu, mạch máu nuôi dưỡng chảy tốt hơn, nuôi tóc tốt hơn, ức chế DHT giảm tiết dầu... Ngoài ra, phương pháp lăn kim, sóng cao tần, kết hợp dùng một số thuốc, nguyên tố vi lượng cũng được nghiên cứu, ứng dụng nhưng còn nhiều tranh cãi.

    Biện pháp cấy tóc dùng cho người bị rụng tóc hói đã mất hoàn toàn nang tóc, điều trị nội khoa không tiến triển; hoặc người trán cao cần hạ chân tóc xuống, theo bác sĩ Hà. Người rụng tóc giai đoạn ngừng phát triển hay rụng tóc mảng không được chỉ định cấy tóc.

    Để phòng ngừa rụng tóc, cần chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo đủ lượng vitamin và khoáng chất; giữ tinh thần thoải mái, tránh stress. Người bị hói căn nguyên không chỉ tóc thiếu dưỡng chất mà còn do nội tiết cơ thể, cần phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.

    Tại hội nghị, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, đánh giá chăm sóc y khoa lĩnh vực da liễu, thẩm mỹ có nhiều tiến bộ vượt bậc. Điều này đòi hỏi thầy thuốc phải liên tục nghiên cứu, cập nhật các kiến thức mới giúp bệnh nhân được hưởng những tiến bộ y khoa tiên tiến, hạn chế rủi ro y tế.

    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Rụng tóc, hói đầu tuổi trẻ bởi áp lực cuộc sống

Share This Page