Các nhà nghiên cứu bắt gặp một con mực nhỏ có khả năng là mực ống khổng lồ chưa trưởng thành ở vùng biển Nam Cực. Con mực non có thể thuộc loài mực ống khổng lồ. Video: IFL Science Một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế lập kế hoạch tham vọng nhằm tìm kiếm và nghiên cứu mực ống khổng lồ trong môi trường tự nhiên vào năm 2025 nhân kỷ niệm 100 năm phát hiện loài này. Từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023, nhóm nghiên cứu di chuyển tới Nam Cực 4 lần nhằm tìm kiếm mực ống khổng lồ. Họ sử dụng tàu du lịch vùng cực mang tên Ocean Endeavor trang bị hệ thống camera biển sâu có thể hạ thấp tới độ sâu tối đa 400 m, theo IFL Science. Mực ống khổng lồ (Mesonychoteuthis hamiltoni) hay còn gọi là mực khổng lồ Nam Cực là một trong những bí ẩn lớn nhất đại dương. Không có ảnh chụp hay thước phim nào quay mực ống khổng lồ sống trong môi trường tự nhiên của chúng. Những gì giới nghiên cứu biết về loài quái vật này đến từ số mẫu vật ít ỏi mắc vào lưới đánh cá hoặc dạt vào bãi biển. Mực ống khổng lồ dài 14 m và nặng ít nhất 500 kg. Chúng nắm giữ nhiều kỷ lục thế giới, bao gồm động vật không xương sống lớn nhất hành tinh xét theo trọng lượng. Loài vật ẩn dật này được cho là sống dưới vùng biển sâu Nam Đại Dương xung quanh Nam Cực. Dù không tìm ra cá thể trưởng thành, nhóm nghiên cứu ghi hình một con mực thủy tinh dài 10 - 12 cm. Hiện nay, họ đang phân tích đoạn video này và suy đoán đó có thể là loài chưa biết, một con mực Galiteuthis glacialis trưởng thành, hoặc mực ống khổng lồ nhỏ chưa trưởng thành, theo Matt Mulrennan, nhà khoa học hải dương, trưởng đoàn 4 cuộc thám hiểm trong năm 2022 - 2023 kiêm nhà sáng lập/giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Kolossal. Mực thủy tinh có tên khoa học là Cranchiidae, là họ mực bao gồm cả mực ống khổng lồ và Galiteuthis glacialis. Chúng là hai thành viên duy nhất trong họ Cranchidae sống ở vùng Nam Cực. Theo Aaron Evans, nhà khoa học chuyên nghiên cứu họ Aaron Evans, con mực trong video có thể thuộc hình thái khác nhau của một trong hai loài mực. Trong video, lượng lớn tuyết biển, vật chất hữu cơ rơi xuống đáy biển sâu, che khuất tầm nhìn khi con mực bí ẩn xuất hiện. "Việc nhận dạng con mực thủy tinh từ thước phim có thể khó khăn. Một số loài có sự kết hợp các đặc điểm dễ nhận biết riêng biệt, nhưng nhiều loài khác trông giống nhau đến mức rất khó có thể xác nhận chúng đến từ loài nào", tiến sĩ Kat Bolstad ở Đại học Công nghệ Auckland (AUT), nhận xét. Ngoài hình ảnh con mực, nhóm nghiên cứu còn ghi hình hơn 80 loài sinh vật biển sâu khác, bao gồm hải miên khổng lồ, sao biển hướng dương Nam Cực, san hô mềm, sống đuôi, thủy tức ống và huệ biển. An Khang (Theo IFL Science) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress