Drone và trí tuệ nhân tạo (AI) đang rà quét rừng cây Nam Phi với hy vọng tìm được một cá thể cái ghép đôi với cây đực duy nhất thuộc loài Encephalartos woodii. Laura Cinti đứng cạnh cây cô đơn nhất thế giới tại Vườn thực vật Kew ở London, Anh. Ảnh: Đại học Southampton Trong dự án nghiên cứu mới của Đại học Southampton, các nhà khoa học đang rà quét hàng chục km2 rừng ở Nam Phi, nơi phát hiện cây duy nhất thuộc loài Encephalartos woodii (E. woodii). Họ đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm "bạn gái" cho cây đực này, vốn được miêu tả là cây cô đơn nhất thế giới. E. woodii thuộc nhóm thực vật đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên theo Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Tất cả các thành viên hiện nay của E. woodii đều là bản sao đực của cây duy nhất từng được tìm thấy và không thể sinh sản tự nhiên. Tổ tiên của loài cây này tồn tại từ cách đây 300 triệu năm, trước cả thời khủng long và hiện là một trong những sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất hành tinh. Loài cây cổ xưa đang được trồng và nhân giống tại Vườn thực vật Kew ở London, Anh. Tiến sĩ Laura Cinti, nhà nghiên cứu tại Đại học Southampton, đang dẫn đầu dự án đầu tiên sử dụng drone và AI để tìm kiếm một cây E. woodii cái. "Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ câu chuyện của E. woodii, một câu chuyện kinh điển về tình yêu không được hồi đáp. Tôi hy vọng có một cây cái ở đâu đó ngoài kia, dù sao thì chắc chắn từng có một cây cái. Sẽ thật tuyệt nếu phục hồi loài cây gần như tuyệt chủng này thông qua sinh sản tự nhiên", bà nói. E. woodii thuộc bộ Tuế (Cycadales). Cây duy nhất của loài này được phát hiện ở rừng Ngoye vào năm 1895. AI đang phân tích hình ảnh của khu rừng do drone ghi lại. Đến nay, mới chỉ khoảng 2% trong tổng diện tích 40,5 triệu km2 rừng được đánh giá. AI phân tích hình ảnh do drone ghi lại về tán cây trong rừng Ngoye. Ảnh: Đại học Southampton "Với AI, chúng tôi đang sử dụng thuật toán nhận diện hình ảnh để nhận diện thực vật theo hình dáng. Chúng tôi tạo ra hình ảnh của thực vật và đưa vào các bối cảnh sinh thái khác nhau để huấn luyện hệ thống nhận diện chúng", tiến sĩ Ciniti cho biết. Nếu săn lùng cây cái trong rừng không thành công, nhóm nghiên cứu vẫn còn một giải pháp khác. Cinti đang nghiên cứu khả năng tác động hóa học hoặc sinh lý để thay đổi giới tính của E. woodii, cho phép nó sinh sản tự nhiên. "Đã có những báo cáo về sự thay đổi giới tính ở các loài tuế khác do những thay đổi môi trường đột ngột, ví dụ thay đổi nhiệt độ. Vì vậy, chúng tôi hy vọng cũng có thể thay đổi giới tính cho E. woodii", bà nói. Thu Thảo (Theo BBC) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress