Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số tiêu thụ năng lượng và phát thải, đòi hỏi có chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh, đi với nhau và hỗ trợ nhau. Muốn chuyển đổi xanh phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải chuyển đổi xanh", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói tại sự kiện Vietnam - Asia DX Summit 2024, chiều 28/5 ở Hà Nội. Đánh giá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi số, trong đó kinh tế số đóng góp16,5% GDP, tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm, nhưng Bộ trưởng cũng cho rằng đây là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và gây phát thải. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện DX Summit 2024 chiều 28/5. Ảnh: Lưu Quý Dẫn báo cáo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, ông cho biết các trung tâm dữ liệu trong năm 2022 đã tiêu thụ 240-340 tỷ kWh, tương đương 1-1,3% nhu cầu điện năng toàn cầu và đang tiếp tục tăng. Tiêu thụ điện của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông chiếm từ 6 đến 10% tổng tiêu thụ điện năng thế giới và thải ra 3,7% tổng lượng khí thải nhà kính. "Số liệu này được dự báo tăng gấp đôi vào năm 2025 và ước tính chiếm 14% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu năm 2040. Bởi vậy chuyển đổi số phải dùng công nghệ xanh", ông nói. Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Vinasa, đánh giá chuyển đổi số và xanh đang là xu hướng của thế giới nhằm hướng tới phát triển bền vững. Ông cho rằng công nghệ số giúp tăng tốc trong việc thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Trương Gia Bình phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lưu Quý Theo Bộ trưởng Hùng, Việt Nam xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Một trong những vấn đề cần thực hiện là thúc đẩy những ngành công nghệ số, mà cốt lõi là chip bán dẫn. Ông cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo xong phiên bản cuối cùng của chiến lược quốc gia về phát triển chip bán dẫn. Còn theo ông Bình, để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần tiên phong phát triển các lĩnh vực gồm trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, xe điện thông minh dùng công nghệ xanh. "Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này", ông nói. Theo dõi hơn bốn tiếng tại sự kiện, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá đây là xu thế tất yếu của thế giới chứ không riêng Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam đang có lợi thế và đã có các chủ trương, đường lối để phát triển. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra năm hạn chế vẫn còn tồn tại, đó là không phải ai cũng quan tâm đến vấn đề này, kể cả những người có trách nhiệm; cơ chế chính sách 'chưa tạo ra đường băng để mọi người cất cánh'; hạ tầng số - nền tảng cho tăng trưởng xanh có phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực chưa được ưu tiên và ứng xử như một lĩnh vực tiên phong. Ngoài ra, dẫn ví dụ về chỉ số tận dụng chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế xã hội, ông cho biết Việt Nam đứng 150, ở mức thấp trên thế giới. Để cải thiện, Phó thủ tướng cho rằng cần có nhìn nhận đúng về vấn đề và dành sự ưu tiên cho lĩnh vực, đồng thời phải chú trọng đầu tư hạ tầng số, đặc biệt khu vực có nhu cầu phát triển và thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Một số giải pháp khác là huy động nguồn lực ngoài ngân sách; đào tạo nguồn nhân lực; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các startup tham gia; và cố gắng từng bước 'ngồi trên vai người khổng lồ' bằng cách khai thác tốt các thành tựu của thế giới. Lưu Quý Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ