Nỗi đau thầm kín của những phụ nữ mắc ung thư

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, May 28, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 33)

    SingaporeKhi nhận chẩn đoán ung thư vú di căn vào năm 2020, Sarah không thể lường trước những tác dụng phụ của thuốc lên đời sống vợ chồng.


    Sau chẩn đoán, cô được phẫu thuật cắt bỏ khối u, kèm hóa xạ trị. Xét nghiệm máu vài tháng sau cho thấy Sarah bước vào thời kỳ mãn kinh sớm, khi chỉ mới 37 tuổi.

    "Vì còn trẻ, đây không phải điều tôi lường trước. Tôi bị những cơn bốc hỏa nặng, âm đạo khô đến mức có thể cảm thấy ma sát ngay cả khi đi bộ hoặc ngồi xuống, đừng nói đến quan hệ tình dục. Tôi nghĩ 'Sao mình lại bất thường như vậy'", cô tâm sự.

    Cuộc hôn nhân của Sarah cũng bị ảnh hưởng. Cô không thể đáp ứng nhu cầu của chồng, song cũng khó chia sẻ về điều đó. Hai người xảy ra mâu thuẫn liên tục. Ở thời điểm tồi tệ nhất, cô cảm thấy không còn muốn chiến đấu với bệnh ung thư.

    "Mục đích của việc điều trị khắc nghiệt là gì nếu ngày nào tôi cũng phải tranh cãi với chồng", cô nói.

    Giống như Sarah, cuộc đấu tranh của nhiều "chiến binh ung thư" không chỉ dừng lại ở điều trị mệt mỏi. Theo giáo sư trợ lý Irene Teo, nhà tâm lý học lâm sàng chính tại Khoa Ung thư Tâm lý Xã hội, Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore (NCCS), đây là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Bệnh nhân bị sụt giảm lòng tự tin và sự yêu thương cơ thể do các thay đổi đột ngột, ngoài kiểm soát về thể chất.

    "Tình dục vẫn là một trong những khía cạnh bị đánh giá thấp, chưa được quan tâm đúng mức ở các bệnh nhân sống sót sau ung thư, không chỉ tại Singapore mà trên toàn thế giới", giáo sư Teo nhận định.

    Trích dẫn Nghiên cứu từ NCCS phối hợp Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK (KKH), bà cho biết cứ 6 phụ nữ tiền sử ung thư vú hoặc ung thư phụ khoa thì một người không hài lòng về đời sống tình dục.

    Các thay đổi không tránh khỏi

    Theo bác sĩ ung thư Joline Lim, chuyên gia tư vấn Khoa Huyết học - Ung thư, Viện Ung thư Đại học Quốc gia Singapore (NCIS), ung thư ảnh hưởng đến bệnh nhân về cả thể chất, tâm lý và xã hội. Ngoài tình trạng rụng tóc tạm thời, quá trình hóa trị có thể khiến bệnh nhân bị bệnh thần kinh ngoại biên (tê bì chân tay). Dù vấn đề này thường cải thiện sau khi hóa trị, một số ít bệnh nhân có thể phải sống với tổn thương thần kinh suốt đời.

    Một số bệnh nhân ung thư được chỉ định cắt bỏ bộ phận trên cơ thể, chẳng hạn vú, buồng trứng, tử cung, cổ tử cung. Người mắc ung thư trực tràng đôi khi phải bỏ cả ruột non, phẫu thuật tạo lỗ hở đại tràng hoặc ruột già. Chất thải sau đó được chuyển đến túi thu gom nằm bên ngoài cơ thể. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và hình ảnh bản thân bệnh nhân.

    June là một bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư vú năm 2010. Cô đã phẫu thuật cắt bỏ vú ở tuổi 28, 9 tháng sau đám cưới.

    "Nhiều tuần trước ca phẫu thuật, tôi thức dậy vào nửa đêm với hy vọng đó chỉ là một cơn ác mộng. Khi sự thật ập đến, tôi òa khóc. Ý nghĩ thức dậy từ giường bệnh với bộ ngực phẳng và vết sẹo trên đó là quá mức chịu đựng của tôi", cô nói.

    Cô đã chọn phương pháp tái tạo vú, tức là có thể giữ lại phần núm vú. Song hiện tại cô mất cảm giác vĩnh viễn ở vùng này. Cô lo lắng những vết sẹo ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân. May mắn, chồng June chưa từng coi thường cô vì điều đó, anh cũng không tạo áp lực về gần gũi thể xác, luôn đặt sức khỏe và sự hồi phục của cô lên hàng đầu.

    Tiến sĩ Lim cho biết, tăng cân cũng là một tác dụng phụ thường gặp của người điều trị ung thư, đặc biệt các phụ nữ làm liệu pháp nội tiết tố. Việc tiêu thụ steroid có thể làm thay đổi cân nặng và tích nước.

    Lisa là ví dụ điển hình. Bà được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn ba năm 2016, đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp - cơ quan kiểm soát quá trình trao đổi chất và các hạch bạch huyết, quan trọng đối với hệ miễn dịch. Từng là vận động viên marathon chạy 160 km mỗi tuần, người phụ nữ 52 tuổi nhanh chóng tăng 8 kg. "Tôi cảm thấy khó chịu và uể oải", bà nói.

    Dù quần áo không còn vừa vặn, bà không muốn mua cỡ lớn hơn vì tin rằng một ngày nào đó sẽ giảm cân thành công.

    [​IMG]

    Minh họa bệnh nhân đang điều trị ung thư. Ảnh: iStock


    Ảnh hưởng không thể nhìn thấy bằng mắt

    Nhiều người thân, bạn bè của bệnh nhân ung thư không hiểu được tác động lâu dài của căn bệnh cũng như việc điều trị.

    "Các bệnh nhân thường tâm sự rằng họ được mọi người giúp đỡ nhiệt tình nhất trong quá trình điều trị, song sự hỗ trợ giảm dần theo thời gian, khi họ bắt đầu điều trị xong và trở lại cuộc sống trước khi bị bệnh", phó giáo sư Teo nói.

    Theo ông, đây là tâm lý tự nhiên khi bệnh nhân "bắt đầu trông khỏe hơn". Tuy nhiên, nhiều chiến binh ung thư cho biết có tác động đôi khi không thể quan sát từ vẻ ngoài. Một số người mọc lại tóc, nhưng các triệu chứng như mệt mỏi và bệnh thần kinh có thể ảnh hưởng lâu dài, khó thấy.

    Đôi khi, điều này vô tình phá vỡ các mối quan hệ.

    Hậu quả của việc điều trị ung thư và phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết khiến Lisa bị dị ứng liên tục, dù đã dùng thuốc kháng histamine hàng ngày. Mắt bà sưng húp, chảy nước và ngứa. Bà cũng ngứa tai và khoang miệng liên tục. Điều này ảnh hưởng đến việc thân mật với người yêu.

    "Khi cứ dị ứng mãi, tôi không thể nghĩ đến việc ân ái. Vì dị ứng nên tôi luôn cáu kỉnh, tâm trạng thất thường. Trong 6 tháng đầu tiên, người yêu có vẻ thông cảm. Nhưng sau đó, anh ấy nói 'Em phải làm gì với vấn đề đó đi, đã 6 tháng rồi'", bà kể lại.

    Theo tiến sĩ Lim, đối với phụ nữ trẻ, việc điều trị ung thư đặc biệt tàn khốc, vì hóa trị có thể gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản. Bệnh nhân được tư vấn đông lạnh trứng để thụ thai trong tương lai. Nhưng đối với những người mắc ung thư giai đoạn cuối như Sarah, điều này chẳng giúp ích được gì.

    "Ưóc mơ của tôi là có ba con, giờ tôi chỉ có một. Tôi có trứng đông lạnh, nhưng vì làm hóa trị, tôi không thể tự mang bầu. Singapore không cho phép mang thai hộ, nên không có cách nào để hợp pháp hóa việc sinh con", Sarah nói.

    Giáo sư Teo nói thêm, phụ nữ ở độ tuổi 30 và đầu 40 gặp nhiều khó khăn hơn, các thay đổi thường ảnh hưởng đến quyết định quan trọng trong đời, chẳng hạn lập gia đình. Đôi khi, các cột mốc bị trì hoãn vì bệnh nhân lo lắng ung thư tái phát, ảnh hưởng đến bạn đời hoặc gia đình tương lai.

    [​IMG]

    Nhiều phụ nữ gặp vấn đề chuyện vợ chồng trong và sau quá trình điều trị ung thư. Ảnh: iStock


    Đối phó với những thay đổi

    Theo giáo sư Teo, để chặng đường điều trị và phục hồi của các chiến binh ung thư dễ dàng hơn, gia đình và bạn bè cần nhận thức được các khó khăn lâu dài. Trong nhiều trường hợp, cái ôm hay lời động viên có thể là cứu cánh đối với họ.

    "Hôn nhân hoặc mối quan hệ bị thay đổi trong quá trình điều trị ung thư là điều bình thường. Sự ân ái và tình dục thường bị xếp sau, dù nhiều cặp đôi vẫn gần gũi về tình cảm", bà nói.

    Những bệnh nhân lo lắng cho đời sống tình dục có thể tìm đến phòng khám tư vấn hoặc nói chuyện với bác sĩ ung thư. NCCS đã thành lập Phòng khám Thân mật và Sức khỏe Phụ nữ đa ngành vào năm ngoái, với sự đồng hành của bác sĩ và chuyên gia tâm lý tình dục, nhằm giải quyết thách thức về chuyện chăn gối nảy sinh trong quá trình điều trị ung thư.

    Sarah chia sẻ cuộc hôn nhân của cô đã cải thiện sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia trị liệu tình dục. Chồng cô hiểu rõ hơn những khó khăn cô gặp phải, từ đó hỗ trợ vợ mình tốt trong quá trình hồi phục.

    Đối với một số người, nỗ lực thích nghi cuối cùng dẫn đến sự phát triển bản thân mạnh mẽ.

    June thừa nhận cô vẫn còn tự ti vì các vết sẹo sau phẫu thuật cắt bỏ vú, nhưng những suy nghĩ đó chỉ thoáng qua. Lời khuyên của cô dành cho các bệnh nhân ung thư khác: "Hãy tự tin về cơ thể bạn, đây là những vết sẹo của chiến binh. Dù gì thì cơ thể và ngoại hình cũng sẽ thay đổi khi chúng ta già đi, vì vậy đừng lo lắng quá".

    Dù mắc ung thư giai đoạn 4, Sarah vẫn tham gia một khóa học lập trình vào năm ngoái, rời bỏ nghề hành chính để trở thành kỹ sư.

    "Phần lớn bệnh nhân và người sống sót sau ung thư cần thời gian để điều chỉnh, có thể sống cuộc sống ý nghĩa hơn. Nhiều người mô tả trải nghiệm của họ tác động quan trọng đến các quyết định tương lai", giáo sư Teo cho biết.

    Thục Linh (Theo CNA)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Nỗi đau thầm kín của những phụ nữ mắc ung thư

Share This Page