Sau khi chuyển 1,5 triệu đồng cho người nhận làm hộ chiếu, Ngọc Minh bị chặn liên lạc, không đòi lại được tiền kèm nguy cơ lộ thông tin. Do đang ở nước ngoài, Ngọc Minh (Hà Nội) muốn tìm dịch vụ hỗ trợ làm hộ chiếu cho con gái sang thăm. Sau khi đăng bài trên một nhóm trên Facebook đầu tháng 5, cô nhận được hàng loạt bình luận nhận hỗ trợ, với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy theo thời gian nhận mong muốn. Trong số đó, bình luận từ một tài khoản Facebook khiến cô chú ý, khi người này nói "làm trước chuyển tiền sau". Với mong muốn nhận hộ chiếu sau 3-5 ngày, giá đưa ra là 1,5 triệu đồng, kèm các thông tin như ảnh hộ chiếu cũ, ảnh thẻ, giấy khai sinh, số điện thoại. "Sau vài ngày, họ gửi cho tôi ảnh chụp hộ chiếu đã làm xong và đề nghị chuyển tiền để họ giao hàng sớm", Minh kể. Nhìn thấy hộ chiếu, cô tin tưởng chuyển tiền và đưa số điện thoại, địa chỉ nhận. Tuy nhiên, cô lập tức bị chặn liên lạc. Khi vào trang web dịch vụ công để tự làm, cô mới biết con gái mình vẫn chưa có hộ chiếu. "Có thể ảnh họ gửi cho tôi là giả. Tin nhắn đó cũng đã được thu hồi nên không thể kiểm tra được", Minh nói. Hộ chiếu mẫu mới năm 2022 của Việt Nam. Ảnh: Phạm Dự Theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, lợi dụng tình trạng người dân chưa biết hoặc ngại làm hồ sơ làm hộ chiếu online, tình trạng lừa đảo liên quan đã gia tăng. Một thủ đoạn khác cũng được Cục ghi nhận là các nhóm lừa đảo sẽ điền số điện thoại liên hệ là số của chúng, đồng thời cố tình khai báo sai thông tin trong tờ đề nghị cấp hộ chiếu. Việc này cản trở cán bộ Quản lý xuất nhập cảnh liên hệ với công dân khi cần thông báo, yêu cầu bổ sung hồ sơ, từ đó kéo dài thời gian cấp hộ chiếu của công dân. Thông qua số điện thoại, chúng có thể nắm bắt nội dung cần bổ sung hồ sơ. Trong khi đó, người dân không được nhận hộ chiếu, khi liên hệ cơ quan chức năng mới biết hồ sơ chưa được bổ sung để xử lý. Trên các mạng xã hội, hàng loạt hội nhóm, fanpage sử dụng những từ khóa như "làm hộ chiếu nhanh", "hộ chiếu giá rẻ", kèm quảng cáo "không cần phải đi xa, không xếp hàng, không chờ đợi" đã thu hút sự chú ý của nhiều người thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo Cục An toàn thông tin, các dịch vụ này thường có giá cao hơn nhiều lần so với lệ phí theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra khi gửi tiền và thông tin cho kẻ gian, người dùng có nguy cơ mất tiền, bị đánh cắp thông tin và gặp rắc rối khi làm dịch vụ công. Nhiều hội nhóm làm hộ chiếu thu hút hàng chục nghìn thành viên trên Facebook. Ảnh chụp màn hình Thông tin bị đánh cắp có thể bị sử dụng cho những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng như: đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên ứng dụng trực tuyến; đánh cắp tài khoản Facebook, VNeID. Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cân nhắc trước các lời mời chào sử dụng bất kể dịch vụ online nào. "Không nên tin tưởng, cung cấp thông tin cá nhân cho những bên không rõ danh tính", đại diện Cục nhấn mạnh. Ngoài ra, việc cấp hộ chiếu có thể được thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Trong trường hợp không thể nộp hồ sơ, người dân được khuyến nghị nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Lưu Quý Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ