Khi tiếp xúc với da, axit nhanh chóng hút cạn nước từ tế bào, làm ngưng kết protein của mô, rồi tiếp tục ăn sâu vào da. Theo bác sĩ Diệp Quế Trinh, Trưởng Khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), axit có khả năng gây bỏng cơ thể con người bởi nó phản ứng với các protein có trong tóc, móng chân, móng tay, da... Khi tiếp xúc với da, axit làm ngưng kết các protein của mô và hút nước của tế bào. Chúng cũng hóa hợp với protein tạo thành protein axit tiếp tục gây bỏng sâu. Phần da tiếp xúc với axit sẽ chết, chuyển sang màu đen và để lại những di chứng sẹo nặng nề. Nếu người bệnh không được sơ cứu kịp thời, hóa chất này tiếp tục phá hủy làm cháy da, tổn thương xương và các bộ phận khác. Nếu phần da chết không được cắt bỏ nhanh chóng, mô hoại tử sẽ tiếp diễn, tổn thương sẽ sâu và nặng hơn. Cụ thể, ở mặt có cấu trúc da rất mỏng lại giàu collagen nên rất nhạy cảm, khi bị bỏng dù nhẹ cũng có thể để lại sẹo và co rút mạnh. Lớp sụn ở tai, mũi, mắt có thành phần chính là nước, protein và collagen nên khi tiếp xúc với axit có thể gây điếc, mũi teo tóp, biến dạng, lỗ mũi đóng kín hoàn toàn. Lúc này, việc ăn uống, sinh hoạt vô cùng khó khăn. Nếu axit rơi trực tiếp vào mắt sẽ gây bỏng võng mạc, nguy cơ mù lòa rất cao. Nếu bị tạt axit đậm đặc vào phần đầu có thể gây bỏng sâu, ăn mòn và phá hủy một phần hộp sọ, tóc biến mất và phần da đầu chỗ đó không bao giờ mọc lại nữa. Bác sĩ Trinh cho biết hiện nay có nhiều biện pháp chữa trị nhằm tái tạo làn da bị bỏng do axit. Tuy nhiên, nếu vết bỏng sâu thì dù có tái tạo vẫn khó phục hồi được như ban đầu. Ngoài ra, dù lành bệnh, vết thương từ bỏng axit vẫn để lại sẹo lồi, sẹo co rút gây ảnh hưởng các chức năng và ít hơn là mất thẩm mỹ. Nạn nhân phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật tạo hình đau đớn, nhưng cũng không thể phục hồi hình dạng 100% như trước. Bệnh nhân bỏng trong vụ tạt axit đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Bác sĩ khuyên nếu bị axit văng vào người, cần nhanh chóng rửa nước sạch (không dùng nước đá) liên tục lên vùng bị bỏng trong 20-30 phút cho đến khi không còn bỏng rát. Nước sạch giúp rửa trôi hóa chất và giảm nhiệt cho da. Sau đó, người bệnh băng vết thương bằng gạc y tế và nhanh chóng đến bệnh viện điều trị. Bác sĩ khuyến cáo không dùng dung dịch bazơ để xử lý vết bỏng do axit, không tự ý đắp lá cây vào vết bỏng hay làm vỡ bọng nước để tránh nguy cơ nhiễm trùng, để lại sẹo. Tránh rửa bằng nước bẩn, dùng vòi xịt nước mạnh gây nhiễm trùng vết thương, không dụi tay lên mắt. Nếu quần áo dính axit phải cởi bỏ ngay, tránh làm bỏng vùng da xung quanh. Mỹ Ý Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress