Hà NộiThấy bé trai đuối nước bị dốc ngược lên vai, điều dưỡng Dương Thị Hồng chạy tới yêu cầu đặt xuống, sau đó ép tim, thổi ngạt. Điều dưỡng Hồng, 32 tuổi, làm việc tại Trung tâm khoa Nội tiết - Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cùng gia đình đi nghỉ dưỡng, ngày 20/5. Khi đi tham quan, cô phát hiện một bé trai đuối nước, bị xốc ngược lên vai. Lập tức, Hồng chạy đến, yêu cầu đặt bé xuống mặt phẳng để cấp cứu. Cô đặt tay lên cổ, kiểm tra mạch, hơi thở, phát hiện trẻ không còn dấu hiệu sinh tồn. Lúc này, chị Hảo, mẹ bé hoảng loạn, liên tục cầu cứu, mong chờ phép màu. Bằng trực giác nghề nghiệp, Hồng khẩn cấp ép tim, thổi ngạt. Sau ba phút, trẻ nôn ra nhiều nước, có ý thức trở lại và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện gần nhất. "Bệnh nhân may mắn được cấp cứu đúng cách, hồi sinh tim phổi kịp thời, qua cơn nguy kịch", điều dưỡng Hồng nói và cho biết đây là kỹ năng được trau dồi sau nhiều năm làm nghề. Ngày 23/5, lãnh đạo Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã tặng giấy khen và phần thưởng cho chị. Chi hội Điều dưỡng của bệnh viện cũng dành tặng một phần quà vì hành động ý nghĩa này. Điều dưỡng Hồng nhận bằng khen từ bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Các bác sĩ nhận định sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân gây tử vong là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa khoảng 4-5 phút, nếu quá giới hạn này, não sẽ tổn thương không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim, cần phải thổi ngạt, ép tim ngay lập tức. Tuyệt đối không dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy, làm các dịch dạ dày trào ngược, hít vào đường thở, mất thời gian "vàng" cấp cứu trẻ. Khi sơ cứu, không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở. Cách sơ cứu trẻ bị đuối nước. Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress