Bỏng hô hấp nguy hiểm như thế nào

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, May 24, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 27)

    Khi nhiệt độ môi trường quá cao như hỏa hoạn, hít khí nóng vào cơ thể làm tổn thương đường thở từ mũi đến phổi, bỏng bên trong nên khó quan sát, khó điều trị, biến chứng nguy hiểm.


    Bác sĩ Diệp Quế Trinh, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), giải thích bỏng hô hấp đầu tiên sẽ gây phù nề, tiết dịch trong đường thở. Sau đó, đường thở chít hẹp lại, oxy vào cơ thể đang thiếu lại càng thiếu hơn nên càng gây phù nề. Đến một lúc nào đó, cơ thể sẽ bị ngộ độc do thiếu oxy.

    Theo bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), bỏng hô hấp là một loại bỏng đặc biệt, tỷ lệ khoảng 30% tổng số bệnh nhân bỏng nặng. Bỏng hô hấp xảy ra khi hít phải tác nhân gây bỏng như lửa, khí nóng, hơi nước nóng, sản phẩm hóa học hình thành từ chất cháy. Mức độ tổn thương đường hô hấp phụ thuộc vào các yếu tố như sức nhiệt của tác nhân, tác nhân gây bỏng và thời gian tiếp xúc với tác nhân gây bỏng.

    Về cơ bản, mỗi đám cháy tạo ra nhiều loại khói riêng tùy theo các vật liệu độc hại có tại hiện trường. Ví dụ, nhựa PVC có thể tạo ra hydrogen chloride, phosphagen; gỗ, vải tạo ra hydrogen cyanide, amonia, hydrogen sulphide... Tuy nhiên, khi đốt cháy, hầu như tất cả vật liệu đều tạo ra khí độc, phổ biến nhất là carbon monoxide (CO) và carbon dioxide (CO2).

    Do đó, theo bác sĩ Trinh, ngoài bỏng da, các nạn nhân cũng có thể bị ngộ độc các loại khí hình thành trong quá trình cháy như CO và cyanide, tử vong rất nhanh. Tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), bỏng hô hấp là yếu tố nguy cơ độc lập làm tăng tỷ lệ tử vong do bỏng.

    "Khoảng 20-40% bệnh nhân bỏng hô hấp không nhiễm độc khí sẽ tử vong, nhưng nếu kết hợp hít phải khí độc thì tỷ lệ tử vong có thể tới 90%", bác sĩ Minh cho biết.

    [​IMG]

    Một bệnh nhân trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, Hà Nội, điều trị tại Bệnh viện Giao thông Vận tải sáng 24/5. Ảnh: Anh Phú


    Bỏng hô hấp gây ba loại tổn thương là tổn thương trực tiếp do nhiệt, hoại tử đường thở; hít phải các khí độc, kích thích tổn thương đường thở, tổn thương phổi; khí độc CO và cyanide ngấm từ phổi vào máu.

    Bệnh nhân bỏng hô hấp thường bị tổn thương phổi rất nghiêm trọng, để lại nhiều biến chứng như suy hô hấp. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân bị bít tắc đường thở do đờm dãi, do niêm mạc hoại tử và bong ra rơi vào đường thở dẫn đến tử vong. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân bị viêm phổi, mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tỷ lệ tử vong 80%.

    Vì thế bệnh nhân bị bỏng hô hấp cần được xử trí kịp thời, được đưa ra nơi thoáng khí hay hỗ trợ thở oxy ngay để thải khí CO và cyanide ra khỏi cơ thể. Bệnh nhân được nội soi đường thở để tìm dị vật, hút đờm dãi bị tắc nghẽn, đồng thời chẩn đoán vị trí bỏng, mức độ bỏng để có phác đồ điều trị phù hợp.

    Các chuyên gia khuyến cáo khi hít phải khói hay khí, không nên chủ quan mà cần đi khám vì có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến viêm phổi. Đặc biệt, khi có biểu hiện ho, khó thở nhẹ, khạc ra đờm màu đen như bồ hóng, nhức đầu, buồn nôn, thở nhanh, mạch nhanh, thì phải đến viện ngay.

    Về kỹ năng thoát hiểm, các chuyên gia khuyên khi xảy ra cháy sẽ có khói nhiều, hãy tìm lối ra bằng cách đi cúi thấp, sát sàn nhà, không đứng cao. Thoát ra ban công chờ người cứu hoặc xuống cầu thang bộ. Dùng khăn ướt che mũi, miệng để cản trở chất độc vào đường hô hấp.

    Rạng sáng 24/5, đám cháy bùng lên trong nhà trọ ở Trung Kính, Hà Nội. 14 người thiệt mạng, 6 người được đưa vào bệnh viện cấp cứu, hầu hết trong tình trạng bị bỏng hô hấp. Trong đó, một cụ bà 84 tuổi tình trạng nặng nhất, bỏng sâu đường hô hấp, chưa tiên lượng được khả năng điều trị.

    Thùy An - Mỹ Ý


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Bỏng hô hấp nguy hiểm như thế nào

Share This Page