Ngộ độc rượu cấp tính khiến ca sĩ Park Bo Ram tử vong ở tuổi 30

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, May 24, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 30)

    Hàn QuốcCơ quan chức năng cho biết ca sĩ Park Bo Ram qua đời do ngộ độc rượu cấp tính sau khi tham dự một bữa tiệc.


    Sở cảnh sát Namyang đã nhận được kết quả khám nghiệm tử thi từ Cơ quan Pháp y Quốc gia và công bố nguyên nhân cái chết ngày 23/5. Theo báo cáo, Park Bo Ram tử vong do ngộ độc rượu cấp tính. Ở thời điểm đó, cô có các bệnh nền như gan nhiễm mỡ và tổn thương gan. Cơ quan Pháp y Quốc gia không tìm thấy bất kỳ lý do nào khác.

    Trước đó, nữ ca sĩ 30 tuổi được phát hiện bất tỉnh tại nhà một người quen vào khoảng 21h55 ngày 11/4. Bạn bè của Bo Ram đã cố gắng sơ cứu cho cô bằng biện pháp hồi sức tim phổi (CPR) sau đó gọi xe cấp cứu. Cô được chuyển đến Bệnh viện Guri thuộc Đại học Hanyang, song không qua khỏi. Các bác sĩ tuyên bố Bo Ram tử vong lúc 23h17 phút.

    Cái chết của Bo Ram gây xôn xao toàn thế giới, khiến nhiều người chú ý về ảnh hưởng của rượu đến cơ thể.

    Ngộ độc rượu là gì

    Theo Mayo Clinic, ngộ độc rượu là tình trạng nghiêm trọng do uống lượng lớn rượu trong thời gian ngắn. Uống quá nhiều và nhanh có thể gây ảnh hưởng nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và phản xạ nôn.

    Trong một số trường hợp, ngộ độc rượu dẫn đến hôn mê và tử vong. Ngộ độc rượu cũng có thể xảy ra khi người lớn hoặc trẻ em vô tình uống phải các sản phẩm gia dụng có chứa cồn. Theo ước tính, rượu gây ra khoảng ba triệu ca tử vong trên tòan thế giới mỗi năm, chiếm 5% số trường hợp tử vong mỗi năm.

    Nguyên nhân của tình trạng ngộ độc rượu

    Rượu ở dạng ethanol, hay còn gọi là rượu etylic, có trong đồ uống có cồn, nước súc miệng, một số gia vị nấu ăn, thuốc và sản phẩm gia dụng. Ngộ độc rượu etylic thường là do tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn trong một thời gian ngắn.

    Nguyên nhân khác gây ngộ độc còn là uống rượu say, tức là nam giới uống quá nhanh 5 loại đồ uống có cồn trở lên và nữ giới uống nhanh ít nhất 4 loại đồ uống có cồn trong vòng hai giờ. Cơn say có thể xảy ra trong nhiều tiếng hoặc kéo dài vài ngày.

    Nếu uống lượng rượu lớn, mọi người có thể bất tỉnh và tử vong. Ngay cả khi người đó không còn uống rượu nữa, dạ dày và ruột vẫn tiếp tục giải phóng rượu vào máu, nồng độ cồn trong cơ thể tiếp tục tăng cao.

    [​IMG]

    Di ảnh nữ ca sĩ Park Bo Ram tại đám tang, cô tử vong do ngộ độc rượu. Ảnh: All Kpop


    Uống bao nhiêu rượu có thể gây ngộ độc

    Khác với thức ăn, vốn mất nhiều giờ để tiêu hóa, rượu được cơ thể hấp thụ nhanh chóng hơn hầu hết chất dinh dưỡng khác. Trong khi đó, cơ thể mất nhiều thời gian hơn để đào thải rượu hơn. Quá trình này do gan xử lý. Càng uống nhiều rượu trong thời gian ngắn, nguy cơ ngộ độc càng cao.

    Theo Mayo Clinic, 360 ml bia chứa khoảng 5% cồn; 150 ml rượu vang chứa 12% cồn; các loại rượu như gin, rum, vodka hoặc whisky chứa khoảng 40% cồn. Tuy nhiên, lượng cồn đi vào cơ thể trong một lần uống đôi khi cao hơn nhiều với danh sách trên. Chẳng hạn, bia thủ công có lượng cồn gấp 4 lần so với bia chai thông thường.

    Nồng độ cồn 50-70 mg/100 ml máu có thể gây hưng cảm, nói nhiều hơn, bắt đầu có sự suy giảm kỹ năng nhẹ trong hành vi, cảm xúc. Nồng độ cồn 80-100 mg/100 ml máu được coi là ngộ độc rượu.

    Nồng độ cồn 100-200 mg/100 ml máu khiến rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn. Người uống có thể tê bì chân tay hoặc mặt, da xanh xao, cảm xúc không ổn định, dẫn đến giảm khả năng nhận thức, quyết định.

    Nồng độ cồn 200-300 mg/100 ml máu, bạn sẽ nói líu lưỡi, rơi vào trạng thái lú lẫn, nhớ nhớ quên quên, có thể mất trí nhớ hoặc không thể đi lại, phản ứng chậm.

    Người không có khả năng dung nạp rượu, nồng độ cồn máu đạt đến 400 mg/100 ml sẽ bị ngộ độc rượu nặng, tụt huyết áp, mất khả năng vận động, có thể mất hoàn toàn ý thức, hạ thân nhiệt, bị ức chế hô hấp, hôn mê, thậm chí tử vong.

    Triệu chứng

    Có nhiều dấu hiệu cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên đợi đến khi gặp phải triệu chứng nghiêm trọng mới đến bệnh viện. Việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế sớm hơn có thể tạo khác biệt lớn về khả năng phục hồi.

    Các biểu hiện của ngộ độc rượu bao gồm

    • Lú lẫn
    • Nôn mửa
    • Co giật
    • Thở chậm, dưới 8 nhịp thở một phút
    • Hơi thở không đều, có khoảng cách hơn 10 giây giữa mỗi nhịp thở
    • Da tái nhợt
    • Nhiệt độ cơ thể thấp, còn gọi là hạ thân nhiệt
    • Không tỉnh táo

    Các triệu chứng này có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị trong thời gian ngắn.

    Các chuyên gia khuyến cáo nam không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày, nữ không quá một đơn vị cồn một ngày và không uống quá 5 ngày một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hay lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hay một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

    Thục Linh (Theo Australia News, Mayo Clinic, Alcohol Rehab Guide)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Ngộ độc rượu cấp tính khiến ca sĩ Park Bo Ram tử vong ở tuổi 30

Share This Page