Vật thể nguy hiểm nhất trên Trái Đất

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, May 18, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 18)

    Gần 40 năm sau thảm họa ở nhà máy hạt nhân Chernobyl, việc bước vào phòng chứa "Chân voi" vẫn có thể gây chết người và mối đe dọa có thể kéo dài nhiều thế kỷ nữa.

    [​IMG]

    Khối vật liệu nóng chảy có biệt danh Chân voi ở nhà máy hạt nhân Chernobyl. Ảnh: Bộ Năng lượng Mỹ


    Khoảng 300 giây ở trong phòng cùng với "Chân voi" sẽ khiến người đó chỉ còn sống được hai ngày. Vật thể chết chóc này là một khối dung nham rộng 2 m đã cứng lại, hình thành từ lõi nóng chảy của lò phản ứng hạt nhân Chernobyl. Do độ phóng xạ cực mạnh, chỉ có vài bức ảnh của Chân voi được chụp, theo Mail.

    Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 ở Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine bất ngờ tăng vọt điện áp. Khi quy trình ngắt khẩn cấp thất bại, nhiệt độ ở lõi lò thậm chí tăng cao hơn. Khi đưa thanh điều khiển vào lò để làm chậm phản ứng, nhiệt độ quá cao khiến chúng bị nứt. Không lâu sau nước làm mát bay hơi, áp suất tích tụ cho tới khi lò phản ứng phát nổ trong thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử.

    Vào mùa thu năm đó, khi đội khẩn cấp tìm cách kiểm soát phóng xạ, họ phát hiện một buồng bên dưới lò phản ứng đã trở thành nơi nguy hiểm bậc nhất hành tinh. Lò phản ứng trở nên nóng đến mức thép và bê tông dùng để che chắn lõi lò nóng chảy thành dung nham phóng xạ. Vật liệu nóng chảy chậm rãi rơi qua đáy lò phản ứng. Trong quá trình trôi qua các đường ống và bê tông của lò phản ứng số 4, nó cuốn theo nhiều thành phần khác, biến đổi thành khối hóa chất phóng xạ phức tạp. Khi hỗn hợp cát, bê tông và nhiên liệu hạt nhân nguội đi, nó cứng lại thành vật liệu mới gọi là corium. Một khối corium rơi vào hành lang dẫn hơi nước bên dưới lò phản ứng, được gọi là Chân voi do hình dáng đặc trưng của nó.

    Năm 1986, "Chân voi" phát ra 10.000 roentgen (một đơn vị đo phóng xạ) mỗi giờ, gấp khoảng 1.000 lần liều lượng để con người mắc bệnh ung thư. Một giờ tiếp xúc với phóng xạ ở mức độ đó tương đương với 4,5 triệu tia X quang chụp ngực. Người tiếp xúc với khối này 30 giây, sẽ chóng mặt và mệt mỏi trong vòng một tuần. Nếu ở trong phòng cùng Chân voi hai phút, bạn sẽ bị xuất huyết và với thời gian 4 phút, các triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy và sốt sẽ xuất hiện. Cuối cùng, chỉ cần 5 phút tiếp xúc, bạn gần như chắc chắn sẽ chết hai ngày sau.

    Khi đội dọn dẹp tới nơi, họ nhận thấy mức độ phóng xạ của Chân voi vẫn quá cao để đến gần. Sử dụng một camera lắp vội gắn bánh xe, cả đội có thể chụp ảnh vật thể. 10 năm sau, Bộ Năng lượng Mỹ chụp thành công một số bức ảnh của Chân voi. Trong vài bức ảnh, bạn có thể thấy một người đàn ông mặc áo khoác màu cam được cho là Artur Korneyev, phó giám đốc dự án Shelter Object.

    Artur tự chụp chính mình bằng camera quay chậm để hạn chế tiếp xúc với phóng xạ. Lúc này khối corium phát ra lượng bức xạ bằng 1/10 so với ban đầu. Artur sống sót sau trải nghiệm, ghé thăm địa điểm xảy ra thảm họa hàng trăm chuyến và quan sát Chân voi nhiều hơn bất kỳ người nào khác. Năm 2021, ông vẫn sống ở Ukraine theo một tờ báo địa phương. Tuy nhiên, ngay cả 500 giây tiếp xúc với Chân voi cũng gây ra bệnh nhiễm xạ nhẹ trong khi thời gian một giờ sẽ gây tử vong.

    Năm 2016, một vòm sắt và bê tông mới mang tên New Safe Confinement được đặt phía trên lò phản ứng để ngăn rò rỉ phóng xạ. Vòm chắn này được gia cố bằng cấu trúc thép để đảm bảo bụi uranium không phân tán trong trường hợp xảy ra vụ nổ khác. Do corium quá hiếm, mới chỉ được tạo ra 5 lần trong lịch sử, không ai biết chắc khối "Chân voi" sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian.

    An Khang (Theo Mail)​


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Vật thể nguy hiểm nhất trên Trái Đất

Share This Page