Ba dấu hiệu của trầm cảm ở nam giới thường bị bỏ qua là đau nhức cơ thể, giận dữ, hành vi bốc đồng, bên cạnh một số triệu chứng khác như cảm thấy tuyệt vọng, mất hứng thú, thay đổi trong nếp sinh hoạt. Bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Phó Trưởng Phòng Điều trị Rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trầm cảm không phải là sự yếu đuối hoặc thất bại của cá nhân mà là rối loạn tâm thần phổ biến, xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Các nghiên cứu chỉ ra trầm cảm là do mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh của não. Có nhiều cách phân loại rối loạn trầm cảm. Phân loại theo nguyên nhân bao gồm trầm cảm nội sinh, tâm căn, thực tổn, do dùng các chất kích thích. Phân loại theo mức độ bao gồm giai đoạn trầm cảm nhẹ, vừa, nặng. Phân loại theo sự có mặt của các triệu chứng loạn thần bao gồm trầm cảm có triệu chứng loạn thần và trầm cảm không có triệu chứng loạn thần. Phân loại theo sự có mặt của các triệu chứng cơ thể là trầm cảm có triệu chứng cơ thể và trầm cảm không có triệu chứng cơ thể. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố số liệu gần nhất là năm 2023, khoảng 280 triệu người trên thế giới mắc trầm cảm, ít nhất 15% dân số có biểu hiện trầm cảm rõ rệt ở một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Năm 2000, trầm cảm đứng thứ 4 trong 15 bệnh gây gánh nặng bệnh tật toàn cầu, dự đoán năm 2020 căn bệnh này đứng thứ hai và năm 2030 sẽ leo lên vị trí thứ nhất. Việt Nam có khoảng 3 triệu thanh, thiếu niên gặp các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết, theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) năm 2018. So với phụ nữ, đàn ông thường có thiên hướng chối bỏ, che giấu hoặc ngụy trang cảm xúc của mình với các hành vi khác. Các triệu chứng căn bản như tâm trạng trầm buồn, mất hứng thú với công việc hay sở thích, sút cân, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi hay mất tập trung đều xuất hiện ở nam giới. Nam giới cũng thường gặp các triệu chứng "ẩn" như giận dữ, khó chịu, thu mình, suy nghĩ tiêu cực và lạm dụng rượu/chất kích thích. Trong đó, ba dấu hiệu của trầm cảm ở nam giới thường bị bỏ qua nhất bao gồm đau nhức cơ thể, giận dữ, hành vi bốc đồng. Trầm cảm ở nam giới sẽ thể hiện qua các triệu chứng vật lý như đau lưng, đau đầu thường xuyên, khó ngủ, rối loạn tiêu hóa hay các vấn đề sinh lý mà không thuyên giảm với trị liệu thông thường. Triệu chứng giận dữ có thể là cảm giác khó chịu, cáu bẳn, nhạy cảm với các góp ý hoặc mất khiếu hài hước cho tới những vấn đề như nóng nảy, hung hăng hay thậm chí là bạo lực. Có những người sẽ trở nên độc đoán và thích kiểm soát. Bên cạnh đó, một người đàn ông đang chiến đấu với trầm cảm có khả năng thể hiện các hành vi lẩn tránh hoặc liều lĩnh như chơi các trò thể thao mạo hiểm, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích quá mức, đánh bạc hay quan hệ tình dục. Một số dấu hiệu khác bao gồm: Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực; mất hứng thú với việc gặp gỡ bạn bè, các hoạt động yêu thích hay những sở thích trước đó. Người bệnh sử dụng nhiều hoặc phụ thuộc vào rượu bia, chất kích thích; cảm thấy thấy bồn chồn, bức bối, có những thay đổi bất thường trong việc ăn, ngủ hoặc nếp sinh hoạt. Họ không tập trung được hoặc năng suất làm việc/học tập giảm sút; không thể kiểm soát được các suy nghĩ tiêu cực. Không có nguyên nhân duy nhất gây ra trầm cảm ở mọi người nói chung và nam giới nói riêng. Các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội cũng như nếp sinh hoạt, mối quan hệ, kỹ năng thích ứng của một người đều có thể tác động tới sức khỏe tâm thần của họ. Thực tế, bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể rơi vào trầm cảm. Tuy nhiên, một số yếu tố dễ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm trạng của nam giới như cô đơn và thiếu sự hỗ trợ, quan tâm; thiếu khả năng ứng phó với căng thẳng một cách hiệu quả và lành mạnh. Người có tiền sử lạm dụng rượu bia và chất kích thích; sang chấn hoặc bạo hành thời thơ ấu; tuổi già bị cô lập và ít tiếp xúc xã hội, dễ bị trầm cảm. Nam giới đối mặt với nhiều áp lực từ gia đình và công việc dễ dẫn đến trầm cảm. Ảnh: Global News Trầm cảm có thể cản trở, thậm chí phá hủy công việc, nếp sinh hoạt, các mối quan hệ xã hội và niềm vui trong cuộc sống một người. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, gây trở ngại trong việc lưu trữ, củng cố và lấy lại ký ức. Theo Everyday Health, mối liên hệ giữa các vấn đề về trí nhớ và trầm cảm có liên quan đến những thay đổi trong não. Vùng hải mã, một phần não có chức năng hình thành ký ức, có thể bị giảm kích thước và hoạt động khi trầm cảm kéo dài. Sự co rút của vùng hải mã liên quan đến cortisol - loại hormone được cơ thể tiết ra để phản ứng với căng thẳng. Căng thẳng mạn tính và nồng độ cortisol tăng cao do trầm cảm góp phần gây ra những thay đổi ở vùng đồi thị, dẫn đến ảnh hưởng đến trí nhớ nói riêng và đến các vấn đề cảm xúc nói chung. Giai đoạn trầm cảm khởi đầu cho các rối loạn cảm xúc tiếp theo, có thể diễn ra theo nhiều hình thái khác nhau như rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc rối loạn trầm cảm tái diễn. Trầm cảm khiến người mang bệnh bi quan, nhìn tương lai ảm đạm, có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát, rối loạn giấc ngủ, ăn ít ngon miệng. Không chỉ ảnh hưởng tới chính bản thân người mắc mà bệnh còn ảnh hưởng tới gia đình, bạn bè của họ. Người bị trầm cảm có thể gây nguy hiểm đối với người khác như xô xát, cãi vã và giết người. Về điều trị, các biện pháp hiện có bao gồm liệu pháp tâm lý, hóa dược trị liệu (dùng thuốc), điều biến não, các phương pháp bổ trợ như tập thể dục. Theo bác sĩ Tùng, bệnh nhân có biểu hiện trầm cảm không nên cố gắng chịu đựng một mình mà cần tìm kiếm sự hỗ trợ, kể cả từ người thân hay bác sĩ. Một số phương pháp như nâng cao sức khỏe thể chất bằng tập luyện, tiếp xúc ánh sáng tự nhiên, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày giúp nâng cao sức khỏe, đẩy lùi những cảm giác buồn rầu, u uất. Bên cạnh đó, dinh dưỡng lành mạnh đóng vai trò quan trọng, trong đó, chuối có magie giúp giảm lo âu, vitamin B6 để tăng sự tỉnh táo và tryptophan để tăng hàm lượng serotonin giúp điều chỉnh tâm trạng. Những món như cá hồi, rong biển, cam, quýt, rau xanh, các loại đậu, thịt gà và trứng đều là những nguồn tốt để nạp acid béo Omega-3 và vitamin B, cải thiện tâm trạng đáng kể. Nếu những phương pháp trên vẫn chưa đủ, hãy có dũng khí để tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần hoặc nhà trị liệu tâm lý khi cần thiết. Thúy Quỳnh Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress