Bão địa từ mạnh nhất 21 năm tạo cực quang khắp thế giới

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, May 14, 2024.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 53)

    Từ ngày 10/5 đến ngày 13/5, người dân trên khắp thế giới được chiêm ngưỡng cực quang đẹp mắt khi từ trường Trái Đất trải qua nhiễu loạn lớn nhất từ tháng 10/2003.

    [​IMG]

    Cực quang thắp sáng bầu trời ở Hulunbuir, Nội Mông, Trung Quốc hôm 11/5. Ảnh: VCG


    Trái Đất vừa ghi nhận bão địa từ mạnh nhất trong hơn 20 năm sau khi một loạt cơn bão mặt trời quét qua hành tinh. Sự kiện đặc biệt này tạo ra những luồng cực quang rực rỡ có thể nhìn thấy từ khu vực ở phía nam như Florida, Mỹ, gây rối loạn lưới điện cũng như ảnh hưởng tạm thời tới vệ tinh, Live Science hôm 13/5 đưa tin.

    Nhiễu loạn kéo dài ở từ trường Trái Đất từ ngày 10/5 tới sáng sớm ngày 13/5, bắt đầu khi ít nhất 5 cơn bão mặt trời gọi là phun trào nhật hoa (CME) lần lượt xô vào lá chắn bảo vệ hành tinh. Những CME này phóng vào không gian tuần trước bởi lóa mặt trời từ một vết đen khổng lồ có tên AR3664 rộng gấp hơn 15 lần Trái Đất. Đa số lóa mặt trời đó thuộc lớp X, loại vụ nổ bề mặt mạnh nhất mà Mặt Trời có thể tạo ra.

    Loạt CME oanh tạc tạm thời làm suy yếu từ trường Trái Đất, cho phép hạt tích điện từ Mặt Trời xuyên qua khí quyển và kích thích phân tử khí, hình thành cực quang nhiều màu sắc ở vĩ tuyến xa hơn thông thường từ vùng cực. Ở Bắc bán cầu, cực quang thắp sáng bầu trời bang Florida, Mỹ, Mexico và Puerto Rico, cũng như nhiều nơi ở châu Âu, theo Spaceweather.com. Những cột ánh sáng tương tự cũng được ghi nhận ở Nam bán cầu.

    Các nhà khoa học ở Trung tâm dự đoán thời tiết vũ trụ (SWPC) thuộc Cục quản lý đại và dương khí quyển quốc gia Mỹ dự đoán cơn bão địa từ này là cấp G4, cường độ cao thứ hai. Tuy nhiên, nhiễu loạn vượt quá dự đoán ban đầu và đạt cấp G5 ít nhất hai lần vào hôm 10/5 và 11/5, theo SWPC. Đây cũng là phân loại của Sự kiện Carrington vào năm 1859 và lần đầu tiên Trái Đất trải qua điều kiện G5 từ sau cơn bão Great Halloween năm 2003.

    Về lý thuyết, bão G5 có thể khiến vệ tinh rơi xuống Trái Đất, phá hủy cơ sở hạ tầng trên mặt đất và làm tê liệt lưới điện. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ảnh hưởng tồi tệ nhất là lưới điện chập chờn, GPS và một số dịch vụ vệ tinh khác bị gián đoạn tạm thời.

    Bão G5 rất hiếm gặp nhưng nhiều khả năng xảy ra hơn trong thời kỳ cực đại Mặt Trời, giai đoạn Mặt Trời hoạt động mạnh nhất trong chu kỳ 11 năm. Các nhà khoa học không thể xác định chính xác khi nào thời kỳ đó bắt đầu theo thời gian thực, nhưng vài chuyên gia cho rằng chúng ta đã tiến vào giai đoạn cực đại Mặt Trời.

    An Khang (Theo Live Science)​


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Bão địa từ mạnh nhất 21 năm tạo cực quang khắp thế giới

Share This Page