Một nghiên cứu cho thấy các rạn san hô đang đối mặt với "sự tuyệt chủng hàng loạt" khi các dòng hải lưu thay đổi gây ra hiện tượng tẩy trắng trên diện rộng. Các nhà nghiên cứu tại Liên minh rạn san hô toàn cầu đã công bố một nghiên cứu mới trên tạp chí Oxford Open Climate Change, về phát hiện một số rạn san hô lớn trên thế giới bị tẩy trắng nghiêm trọng vào năm 2023. Nghiên cứu chỉ ra biến đổi khí hậu đang làm thay đổi hoàn lưu đại dương, khiến cho các tác động trở nên trầm trọng hơn, giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các sự kiện tẩy trắng và cách ngăn chặn tốt nhất. Một rạn san hô bị tẩy trắng ở Jamaica vào tháng 10 năm 2023. Ảnh: Sabine Hossenfelder/Oxford Open Climate Change Ông Thomas Goreau, tác giả chính của bài báo và giám đốc của Liên minh Rạn san hô Toàn cầu chia sẻ trong một tuyên bố: "Các rạn san hô, hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất, đã bắt đầu bị tẩy trắng và chết vì nhiệt độ cao từ những năm 1980". Theo tuyên bố này, hầu hết san hô trên khắp thế giới đã bị chết và những cá thể còn sống sót không thể chịu đựng được nhiệt độ cao hơn nữa. Nhiệt độ toàn cầu tăng đột ngột vào năm 2023 khiến cho tình trạng của các rạn san hô trở nên nguy hiểm hơn. Điều đó cũng cho thấy những thay đổi quy mô lớn trong hoàn lưu đại dương đang diễn ra, gây ra những phản hồi tích cực làm khuếch đại hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ khắc nghiệt trên toàn thế giới là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô - một quá trình khiến chúng trở thành màu trắng, mất hoàn toàn màu sắc rực rỡ vốn có. Quá trình này xảy ra do các yếu tố gây căng thẳng làm tổn hại lớn đến sức khỏe của san hô. Chỉ mình việc tẩy trắng không làm san hô chết nhưng nó có thể làm tăng khả năng chết. Nghiên cứu mới tập trung vào năm 2023 - năm nóng nhất từ trước đến nay. Các nhà nghiên cứu đã xác định các điểm nóng tẩy trắng rạn san hô bằng cách sử dụng dữ liệu nhiệt độ đại dương được thu thập từ các quan sát vệ tinh. Họ phát hiện, năm 2023 là năm tồi tệ nhất từ trước đến nay đối với tình trạng tẩy trắng san hô ở Bắc bán cầu. Họ cũng dự đoán Nam bán cầu sẽ trải qua năm tồi tệ nhất vào năm 2024. Nghiên cứu cho thấy vào năm 2023, hiện tượng "tẩy trắng gần như hoàn toàn và chết rạn san hô nghiêm trọng" đã xảy ra trên khắp vùng Caribe, các bờ biển phía đông và phía tây của Mexico, Trung Mỹ, Kiribati, Fiji và Đông New Guinea. Thời gian nhiệt độ khắc nghiệt dài nhất xảy ra ở khu vực dọc theo "Haiti-Jamaica-Nicaragua-Honduras-Costa Rica". Thêm vào đó, các dòng nước ấm lớn tiếp tục tăng nhiệt độ trong năm 2023. Điều này cho thấy nước ấm chảy từ vùng nhiệt đới đến các vùng lạnh hơn đã tăng nhanh hơn khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Trong khi điều này giữ cho vùng nhiệt đới mát mẻ thì nó lại gây ra tình trạng dư thừa nhiệt ở các vùng cực. Theo nhóm nghiên cứu, khả năng tuyệt chủng hàng loạt của các rạn san hô là vô cùng đáng lo ngại vì chúng rất quan trọng đối với hệ sinh thái. Chúng cung cấp nơi ở cho động vật hoang dã bản địa cũng như bảo vệ bờ biển khỏi bão. Ở nhiều khu vực, chúng còn mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế, như rạn san hô Great Barrier nổi tiếng ở Australia. Một trong những sự kiện tẩy trắng tồi tệ nhất là ở Rạn san hô Great Barrier của Australia từ năm 2016 đến năm 2017, gây ra hiện tượng tẩy trắng trên 91% rạn san hô. Trịnh Trang (Theo Newsweek) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress