AnhTia Gordon, 11 tuổi, được mẹ đưa đi khám 30 lần trong 3 năm, nhưng bác sĩ đều không tìm ra căn bệnh khiến trẻ bị đau nửa đầu. Mẹ của cô bé, Imogen Darby, đã tìm kiếm sự hỗ trợ y tế suốt ba năm vì con gái liên tục bị đau nửa đầu, song không có câu trả lời. Chỉ khi Tia bắt đầu mất khả năng giữ thăng bằng và đi lại, bé mới được kiểm tra khẩn cấp và tìm thấy khối u 3,5 cm trong não. Darby lần đầu phát hiện các triệu chứng của con mình vào tháng 3/2020, trong thời gian phong tỏa vì Covid-19. Ban đầu, Tia chỉ bị nôn vài tháng một lần. Triệu chứng sau đó trở nên dày đặc hơn. Darby cố gắng cho con đến phòng cấp cứu nhi hai lần, song đều bị từ chối vì "đây không phải trường hợp khẩn cấp". Trong khoảng thời gian tiếp theo, Darby đã đưa Tia đi khám khoảng 10 lần, gọi Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) ba lần. Cuối cùng, hai mẹ con đặt được lịch hẹn với bác sĩ nhi khoa. Người này chẩn đoán cô bé bị bệnh dạ dày và kê thuốc điều trị. Đến năm 2021, cô bé tiếp tục được chẩn đoán chứng đau nửa đầu và sử dụng thuốc giảm đau. Ít lâu sau, Tia phát triển triệu chứng mới. Cô bé bị đau và khó chịu ở cổ, phải ôm cổ liên tục khi đi dã ngoại với lớp. Trong cuộc tái khám, bác sĩ chẩn đoán cô bé bị sai khớp cổ khi ngủ và giới thiệu gia đình đến một bác sĩ vật lý trị liệu. "Chuyên gia tư vấn nói sẽ cho con tôi chụp cộng hưởng từ để yên tâm, nhưng thời gian chờ đợi theo danh sách kéo dài hàng tháng trời", Darby thuật lại. Tia Gordon, 11 tuổi, bị chẩn đoán ung thư nhầm tới 30 lần. Ảnh: Imogen Darby Kể từ tháng 11/2023 đến tháng 1 năm nay, Tia bị nôn gần như các buổi sáng. Vài ngày trước khi nhập viện, cô bé chóng mặt lảo đảo và không thể đi lại bình thường. "Có lúc, con bé đứng bất động và đổ toàn bố sữa vào bồn rửa tay mà không hề nhận ra mình đang làm gì", Darby kể lại. Khi được đưa đến Bệnh viện Northampton General, Tia đã ở tình trạng nghiêm trọng, không thể đi đứng theo đường thẳng. Kết quả chụp CT cho thấy khối u tế bào hình sao lông - loại u não phổ biến nhất ở trẻ em. Bác sĩ lập tức chuyển cô bé lên Trung tâm Y tế Queen bằng xe cấp cứu và đề nghị phẫu thuật. Ca mổ kéo dài 10 tiếng để loại bỏ khối u. "Đó là một ngày khá khủng khiếp. Sau cuộc phẫu thuật, bác sĩ đã lấy được 96% khối u ra ngoài", Darby cho biết. Sau ca mổ, Tia vẫn rất mệt mỏi và bị mất thăng bằng. Cô bé phải chụp cộng hưởng từ ba tháng một lần trong 5 năm tới, phải làm trị liệu và thường xuyên tái khám với bác sĩ thần kinh. "Hơn ba năm, tôi đưa Tia đi khám, cháu bị từ chối chụp cộng hưởng từ, bị bác sĩ cấp cứu nhi từ chối khám. Tôi đã gọi đường dây nóng liên tục, cháu thay kính 4 lần, được uống thuốc và có chuyên gia tư vấn, nhưng vẫn không điều trị kịp thời", Darby nói. Một nghiên cứu cho thấy cứ 20 bệnh nhân tại Anh thì một người buộc phải đợi ít nhất 4 tuần mới hẹn được bác sĩ đa khoa. Số lượng bệnh nhân phải chờ đợi đã tăng vọt 38% trong năm ngoái, từ 12,8 triệu lên 17,6 triệu. Theo phân tích dữ liệu của NHS, ở các vùng như Vale of York, số người chờ đợi 4 tuần tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022. Hơn 14.000 bệnh nhân ở Anh đã tử vong vào năm ngoái vì phải chờ đợi cấp cứu quá lâu, nhiều ca lên tới 12 giờ. Thục Linh (Theo Telegraph) Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress