Lá gan của người mẹ cứu mạng con trai ung thư

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, May 9, 2024.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 108)

    Hà NộiTrần Hoàng Vũ, 2 tuổi, bị teo đường mật bẩm sinh, xơ gan nặng, nhiều lần thập tử nhất sinh, mẹ của bé quyết tâm hiến một phần lá gan ghép để giữ mạng con.


    Trở về nhà sau nhiều tháng đưa con từ TP HCM ra Hà Nội chữa trị, gia đình anh Trần Minh - chị Đinh Thị Hoàng Oanh lần đầu tiên cảm thấy bình yên. Bé Vũ được ghép gan của mẹ vào tháng 6/2023, nay sức khỏe ổn định, có thể chạy nhảy, vui chơi, không còn dấu hiệu bệnh tật.

    "Vợ chồng tôi biết ơn vì con vượt qua cơn thập tử nhất sinh, thêm hy vọng vào một tương lai tươi sáng sau những ngày điều trị khó khăn", chị Oanh nói, hôm 7/5.

    [​IMG]

    Bé Hoàng Vũ, 2 tuổi, khỏe mạnh sau ghép. Ảnh: Gia đình cung cấp


    Từ lúc bé chào đời, cuộc sống của anh Minh, chị Oanh chỉ quanh quẩn ở viện. Hơn một tháng tuổi, bé Vũ bị vàng da, mắt. Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 kết luận bé bị teo đường mật bẩm sinh, nếu không điều trị mật sẽ ứ đọng gây xơ gan, tử vong. Trẻ mắc bệnh này thường được phẫu thuật Kasai - phương pháp giải thoát mật với tỷ lệ thành công khoảng 75-80%, có thể sống đến hơn hai tuổi. Đây được xem là ca phẫu thuật tạm thời vì về lâu dài nếu không ghép gan, trẻ thường diễn tiến suy tế bào gan, hôn mê gan, rối loạn đông máu, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, tử vong.

    Vũ được phẫu thuật Kasai lúc hai tháng tuổi, nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn. Bé thường xuyên nằm viện vì sốt nhiễm trùng, viêm phổi, vàng da, mắt vàng, bụng chướng to, tay chân teo nhỏ, thiếu cân, uống thuốc hằng ngày.

    Tháng 4/2023, bé được chẩn đoán xơ gan giai đoạn cuối, chức năng gan rất yếu. Ghép gan là phương pháp duy nhất để bé được sống. Tuy nhiên, chi phí ghép gan rất lớn, tùy thuộc cần xét nghiệm gì, độ phức tạp trước phẫu thuật hay những biến chứng sau mổ. Thông thường, tổng cả cuộc ghép và các chi phí phát sinh khoảng 500 triệu đồng. Những ca có biến chứng hoặc sử dụng thuốc đặc biệt sẽ tốn kém nhiều hơn.

    Chưa kể sau ghép, bé phải tái khám thường xuyên, đòi hỏi chế độ ăn uống, vệ sinh sạch sẽ, ước tính khoảng 5-10 triệu mỗi tháng. Nếu chăm sóc tốt, đa số trẻ sau ghép gan có thể sống khỏe mạnh, đi học, sinh hoạt, thể thao, kết hôn bình thường nhưng cần uống thuốc chống thải ghép liên tục.

    Anh Minh làm nhân viên văn phòng một doanh nghiệp, còn chị Oanh là điều dưỡng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, lương tháng mỗi người khoảng 10 triệu đồng. Quá trình chạy chữa cho con khiến kinh tế gia đình khánh kiệt. Nay cần ghép gan, chi phí lớn vượt khả năng chi trả, nhưng hai vợ chồng quyết tâm "làm bất cứ điều gì để con trai được sống".

    "Không thể buông tay", chị nói, cho biết thêm đã vay mượn khắp nơi.

    May mắn, năm 2023 bé Vũ được chương trình Mặt trời Hy vọng (Quỹ Hy vọng - VnExpress) hỗ trợ một phần chi phí ghép gan. Sau nhiều lần kiểm tra, xét nghiệm, chị Oanh đủ điều kiện hiến gan cho con. Ca ghép diễn ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội.

    Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trước khi phẫu thuật, người mẹ được kiểm tra kỹ về các bệnh ác tính lẫn di truyền, mục tiêu đảm bảo người hiến đủ sức khỏe để làm việc bình thường sau hiến ghép.

    Ca phẫu thuật hiến ghép diễn ra vào tháng 6/2023. Trong khi bé Vũ được đưa vào phòng mổ, chị Oanh nằm ở phòng cách ly, lòng thầm cầu nguyện. Trái tim người mẹ thắt lại khi nghĩ đến tình huống xấu nhất.

    Sau cuộc đại phẫu kéo dài, bé gặp nhiều rối loạn, phải nằm hồi sức tích cực để bảo đảm chức năng sống và chức năng khối gan ghép. May mắn, các bác sĩ đã làm chủ được vấn đề hồi sức, em bé vượt cửa tử, các chức năng sống bảo đảm, gan ghép phục hồi, tiến triển tốt.

    Ba tuần sau mổ, khối gan ghép đã hoạt động, hệ tiêu hóa và đường mật của trẻ lưu thông trở lại. Người mẹ cũng ổn định sức khỏe: "Thật sự như một giấc mơ, tôi quá hạnh phúc".

    Sau ghép gan, Vũ tăng 5 kg, da hồng hào. Bé phải tái khám định kỳ, ngoài ra nguy cơ nhiễm trùng luôn rình rập do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Sức khỏe của bé cũng không tốt như người bình thường, do chỉ uống sữa và ăn cháo.

    "Chặng đường chăm sóc con còn rất dài, nặng về kinh tế nhưng chỉ cần con bình phục, khỏe mạnh và phát triển bình thường, có vất vả bao nhiêu vợ chồng tôi cũng cố gắng lo được", chị Oanh cho hay.

    Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi và trẻ em yếu thế, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây.

    Thúy Quỳnh


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Lá gan của người mẹ cứu mạng con trai ung thư

Share This Page