Rắn dice nằm bất động với chiếc miệng đầy máu há to để giả chết, khiến chim săn mồi bối rối và có thể thả lỏng vuốt quắp, giúp chúng có thời cơ chạy trốn. Rắn dice giả chết khi bị đe dọa. Ảnh: Biology Letters Khi bị động vật săn mồi tóm gọn, rắn dice trên đảo Golem Grad, hòn đảo giữa hồ ở Bắc Macedonia, tự làm bẩn chính nó bằng hỗn hợp phân và hợp chất mùi hăng. Sau đó, chúng bất động, miệng há to, lưỡi thè ra. Cuối cùng, để hoàn thiện màn giả chết, một số con thậm chí thổ huyết. Việc sử dụng máu để giả chết của loài rắn này có thể là mấu chốt để dựng lên màn biểu diễn thuyết phục, theo nghiên cứu công bố hôm 8/5 trên tạp chí Biology Letters. Nhiều loài trong vương quốc động vật giả chết khi bị động vật săn mồi quấy rầy, bao gồm côn trùng, cá và bò sát. Ngay cả động vật có vú cũng làm vậy. Hành vi giả chết có hiệu quả lớn đi kèm với rủi ro cao, theo Vukasin Bjelica, nghiên cứu sinh ở Đại học Belgrade, tác giả của bài báo. Một số động vật săn mồi tỏ ra bối rối hay kinh hãi khi thấy loài vật khác đột nhiên bất động, đặc biệt nếu chúng còn bốc mùi và chảy máu. Các động vật khác có thể ngừng theo dõi chăm chú và thả lỏng móng vuốt, giúp mồi săn có thời gian thoát thân. Nhưng điều đó đòi hỏi con vật diễn trò phải nằm im trong khi có kẻ muốn ăn thịt nó. Vì vậy, con mồi có động lực tìm cách rút ngắn thời gian giả chết. Nghiên cứu của Bjelica tập trung vào rắn dice, một loài rắn ăn cá không có nọc độc phân bố từ Tây Âu tới phía tây Trung Quốc. Chúng có nhiều kỹ thuật tự vệ, bao gồm cắn, phồng lên và bẹt đầu để giả dạng rắn độc. Nhưng rắn trên đảo Golem Grad thường giả chết để đối phó với kẻ thù chính là chim. Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Bjelica bắt và kiểm tra 263 con rắn, đuổi theo và tóm chúng giữa chừng để kích động hàng loạt hành vi tự vệ đa dạng. Dù cẩn thận không làm đau những con rắn, họ túm chúng, siết nhẹ và kéo căng chúng trên nền đất nhằm mô phỏng động vật săn mồi đang lưỡng lự và ghi hình phản ứng của rắn dice. Họ nhận thấy rắn bị bắt tìm cách bôi phân và hợp chất mùi hăng nồng khắp mình (50% số rắn), phụt máu từ miệng (10%) và giả chết. Vài con rắn khá căng thẳng khi giả chết, khiến chúng khó di chuyển. Những con khác nằm im đến mức những sinh viên có thể xếp chúng theo hình tim. Theo Bjelica, chúng thực sự chuyên tâm giả chết. Chiến thuật dường như hiệu quả nhất đối với rắn trưởng thành. Rắn dice chưa trưởng thành hay bị chim bắt ít khi mạo hiểm và giả chết trong thời gian ngắn hơn hẳn. Chiến thuật cũng có tác dụng khi có nhiều mồi săn khác ở xung quanh, khiến động vật săn mồi bị xao lãng và không chú ý tới con rắn giả chết. Tuy nhiên, do phần lớn dữ liệu đến từ một quần thể tương đối đặc thù, đó là rắn đảo chuyên bị chim săn bắt, Mr. Bjelica cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn các quần thể rắn ở nơi khác. An Khang (Theo Newsweek) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress