Con gái tôi sốt 38.5 độ C nhưng mẹ chồng không cho bật điều hòa vì sợ cháu bị lạnh, điều này có đúng không? (Giang, 22 tuổi, Hà Nội). Trả lời: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ sốt trên 38,5 (đo nách) và quấy hoặc trên 39 độ thì nên uống hạ sốt, vừa để hạ sốt, vừa để giảm đau. Ngoài ra, trẻ bị sốt vẫn có thể nằm phòng điều hòa bình thường. Nhiệt độ phòng nên để 25-27 độ và độ ẩm khoảng 50-60 %. Nếu nhiệt độ phòng quá nóng, trẻ ngủ không ngon, quấy khóc, mệt mỏi hơn. Khi thời tiết bớt nắng nóng, bố mẹ có thể cho trẻ nằm nơi thoáng mát, tránh gió. Không nên chườm ấm, mặc kín hay ủ chăn khiến con sốt cao và mất nước. Người nhà cũng không cần quá lo lắng, đo nhiệt độ cho bé liên tục. Nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, không ủ ấm hoặc cởi hết đồ. Trẻ cần uống nhiều nước hoặc uống oresol để bù nước cho cơ thể, bên cạnh các dung dịch khác như sữa, nước trái cây để bổ sung vitamin. Đưa đến bệnh viện khi trẻ bắt đầu có một số biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục trên 39 độ C, khò khè, khó thở, ngủ li bì, khó đánh thức, co giật kèm tay chân lạnh, nôn hết những gì đã bú hoặc ăn, mỏ ác phồng cao, cổ cứng, xuất huyết, bỏ bú, tiêu chảy... Mùa nắng nóng, trẻ con cũng có thể ăn kem, uống nước lạnh bình thường. Lưu ý khi trẻ ăn xong cho con uống một chút nước trắng ấm để làm sạch họng và nâng nhiệt độ họng về bình thường, tránh viêm họng. Trẻ con ham chơi nên lười uống nước, nóng ra mồ hôi nhiều càng dễ thiếu nước nên các bạn chú ý cho con uống đủ nước. Bố mẹ nên quan sát màu nước tiểu của con, màu vàng nhạt là đủ nước, màu vàng sậm như nước vối nước chè là thiếu nước.Bố mẹ nên chú ý vệ sinh hàng ngày và vệ sinh đồ chơi của trẻ, không cho trẻ ngậm đồ chơi. Tránh đưa trẻ đến nơi đông người. Trẻ ốm nên cho nghỉ học, cách ly tại nhà, tránh lây lan cho người khác. Hạn chế tối đa người lớn hôn má trẻ vì có thể lây bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress