Lỗ hổng pháp lý tước quyền công dân của người đồng tính

Discussion in 'Tình yêu - Gia đình - Giới tính' started by Robot Siêu Nhân, May 9, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 514)

    Người chuyển giới không được đổi tên hay xác định lại giới tính; người đồng tính bị cấm kết hôn, bị kỳ thị, bạo lực nhưng không được bảo vệ... là những vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ đã được chỉ ra trong hội thảo ngày 10/5, tại Hà Nội.


    Hội thảo "Người đồng tính, song tính và chuyển giới: Quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng" do Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) phối hợp tổ chức.

    Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp - cho biết Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều này đồng nghĩa với pháp luật không thừa nhận cũng như không cho phép có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vì lý do giới tính hay xu hướng tính dục của cá nhân. Tuy nhiên trên thực tế, những vấn đề của cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) vẫn đang là một khoảng trống trong chính sách, pháp luật nước ta. Một vài chính sách lại tỏ ra còn bất cập trước các vấn đề thực tiễn.

    Cụ thể, tiến sĩ Thảo dẫn ra 3 khoảng trống chính sách nổi cộm. Đầu tiên đó là việc luật pháp không thừa nhận cho người chuyển giới được đổi tên và xác định lại giới tính.

    "Cho tới lúc này pháp luật Việt Nam chưa cho phép chuyển đổi giới tính, mà chỉ cho phép những người liên giới tính xác định lại giới tính. Có thể thấy Nghị định 88 mở ra cơ hội cho những người liên giới tính nhưng mặt khác đã đóng lại cơ hội để người chuyển giới phẫu thuật về giới tính mong muốn của mình", ông Thảo nói.

    [​IMG]
    Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho biết hội thảo này sẽ lấy ý kiến trình bày lên quốc hội về những vấn đề cộng đồng LGBT đang gặp phải. Ảnh: P.D.

    Thứ hai là quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới: Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 ghi rõ "chỉ công nhận hôn nhân giữa một người nam và một người nữ". Đồng thời, Luật "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Thêm vào đó, Luật Bình đẳng được ban hành năm 2006 chỉ xem xét bình đẳng giới giữa nam và nữ. Rõ ràng cả hai bộ luật quan trọng này đều không bảo vệ quyền lợi của người phi dị tính.

    Thứ ba, theo ông Thảo, rào cản lớn nhất với họ là sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng. Tuy nhiên, cho tới nay Hiến pháp và pháp luật vẫn chưa đặt ra nguyên tắc cấm sự kỳ thị, phân biệt đối xử về xu hướng tính dục và bản dạng giới như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

    Ngoài ra, các chính sách bảo vệ đối tượng trẻ em là LGBT, nhất là trẻ em LGBT đường phố hoàn toàn bị bỏ trống trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Luật phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan đều không đề cập đến bạo lực gia đình đối với nhóm người này, dẫn đến kỳ thị, định kiến và bạo lực với họ.

    Do đó, ông Thảo cho rằng trước khi công nhận hôn nhân cho người đồng tính thì cần phải thừa nhận họ là một lẽ tự nhiên, khách quan đang tồn tại trong xã hội. "Đây là lần đầu tiên Viện nghiên cứu lập pháp tham gia vào vấn đề này để bàn bạc về tất cả các vấn đề liên quan, trên cơ sở đó mới bàn là nên hay không nên cho phép hôn nhân đồng giới", ông Thảo phát biểu.

    Cũng về vấn đề này, đại biểu Quốc hội - giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, rào cản lớn nhất với người đồng tính là tâm lý xã hội chứ không phải là pháp luật dù pháp luật phải đi trước. Tâm lý xã hội Việt Nam còn rất nhiều định kiến và cần phải có nhiều tác động tích cực hơn nữa.

    Ông Thuyết chia sẻ, từ năm 2006 ông đã biết đến những vấn đề về cộng đồng LGBT và cũng có những phát biểu trên báo chí về vấn đề này nhưng khi đó trả lời chưa có kiến thức đầy đủ và chỉ mang tính trực giác. Chỉ lần này, ông mới có suy nghĩ thấu đáo, toàn diện về họ.

    [​IMG]
    Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ tâm lý xã hội vẫn là rào cản lớn nhất với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Ảnh: P.D.

    Do vậy, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Viện nghiên cứu lập pháp cần phối hợp với các tổ chức đại diện cho cộng đồng người đồng tính để có những nghiên cứu sâu hơn nữa về những mặt "được" và "mất" của hôn nhân đồng tính ở các quốc gia đã thừa nhận. Hiện tại ở nước ta có bao nhiêu cặp LGBT đang chung sống với nhau, cuộc sống của họ, những rắc rối trong việc phân chia tài sản, con cái... Vấn đề sinh con và chăm sóc con cái trong các cặp đôi này. Từ đó có một báo cáo đầy đủ, tham mưu cho quốc hội.

    Cũng trong hội thảo này, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, những vấn đề nảy sinh với cộng đồng người đồng tính là một thực tiễn xuất hiện mà Quốc hội cần phải xử lý. Hiến pháp cần phải quy định lại, các bộ luật Dân sự, luật Hôn nhân và gia đình đang có bất cập và cần phải sửa đổi.

    "Thông tin đưa đến những người có thẩm quyền quyết định là quan trọng nhất. Do đó tôi kiến nghị là cần phải có những tiếp xúc giữa các cơ quan Nhà nước với tổ chức của nhóm người này. Đồng thời, người đồng tính phải tích cực đẩy mạnh hoạt động hơn nữa", bà Nga phát biểu.

    [​IMG]
    Bà Lê Thị Nga khẳng định thông tin đưa đến những người có thẩm quyền quyết định là quan trọng nhất, cho nên cần có thêm những cuộc tiếp xúc giữa đại biểu quốc hội với cộng đồng LGBT. Ảnh: P.D.

    Ông Vi Trọng Lễ - Nguyên đại biểu quốc hội chia sẻ: "Thời gian gần đây tôi nghe những vấn đề về người đồng tính nhiều nhưng hôm nay mới được gặp những 'nhân chứng sống' đang phải gánh chịu những thiệt thòi do sự khác biệt của mình. Tôi thấy rằng pháp luật cần phải bảo vệ họ".

    Ông Lễ đề nghị Viện nghiên cứu lập pháp cần mời thêm chuyên gia tâm lý, bác sĩ để cung cấp kiến thức cho các đại biểu quốc hội và mong muốn người LGBT, thân nhân của họ phải là những người truyền thông mạnh mẽ nhất.

    Hội nghị còn ghi nhận rất nhiều ý kiến, chia sẻ của các vị lãnh đạo khác, hầu hết đều hướng đến những thiệt thòi mà nhóm người này đang gặp phải. Dù chưa hứa hẹn điều gì, song các vị lãnh đạo mong muốn thông qua những cuộc tiếp xúc chính thức này sẽ có những thay đổi mới trong cả vấn đề chính sách, pháp luật cũng như tâm lý xã hội để người đồng tính có cuộc sống tốt hơn.

    Kết thúc hội thảo, ông Hoàng Văn Tú - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp khẳng định: "Viện nghiên cứu lập pháp được xem là cơ quan Quốc hội 'nổ phát súng đầu tiên' để làm thế nào bảo vệ người đồng tính có quyền con người được thể hiện trong tuyên ngôn độc lập của nước ta. Chúng ta sẽ cố gắng từng bước, từng bước một để đấu tranh cho họ có quyền này".

    Ông Tú cũng dự kiến sẽ tổ chức một hội thảo tương tự bên lề kỳ họp Quốc hội sắp tới để có thêm ý kiến từ phía đông đảo các đại biểu.

    Phan Dương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Lỗ hổng pháp lý tước quyền công dân của người đồng tính

Share This Page