Hội chứng nôn chu kỳ là một chứng bệnh không thường gặp nhưng gây biến chứng nguy hiểm, khởi phát ở trẻ em với biểu hiện rầm rộ. Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết hội chứng nôn chu kỳ (CVS) có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, song thường khởi phát khoảng 3-7 tuổi với tỷ lệ 3 trên 100.000 trẻ. Hội chứng này lần đầu được mô tả năm 1882 bởi nhà lâm sàng người Anh Samuel Gee và là một trong hơn 20 nhóm bệnh rối loạn chức năng đường tiêu hóa (FGIDs). Cơ chế gây bệnh như gene, bất thường về tiêu hóa, vấn đề hệ thống thần kinh hoặc mất cân bằng hormone. Một số yếu tố khởi phát được ghi nhận như sau nhiễm lạnh, dị ứng, viêm xoang; kích thích quá mức về cảm xúc (căng thẳng hoặc vui mừng quá độ); ăn nhiều, ăn ngay trước khi đi ngủ; thời tiết nắng nóng... Có mối liên hệ mật thiết giữa hội chứng nôn chu kỳ và đau đầu căn nguyên mạch (Migraines headache). Trẻ có tiền sử gia đình bệnh Migraines thì nguy cơ mắc CVS cao hơn. Ngược lại, trẻ mắc CVS có thể tiến triển thành đau đầu căn nguyên mạch khi lớn lên. Ở tuổi vị thành niên, lạm dụng cần sa có thể là nguyên nhân gây nôn chu kỳ. Hội chứng nôn chu kỳ được nhận diện bởi triệu chứng nôn, buồn nôn nghiêm trọng từng đợt mà không có một nguyên nhân cụ thể nào được xác định. Mỗi đợt nôn có thể kéo dài vài giờ cho tới vài ngày, sau đó xen kẽ những khoảng trống hoàn toàn không có triệu chứng và cứ thế lặp lại. Mỗi đợt có tính chất định hình, tức là có thể khởi phát ở cùng thời điểm trong ngày, kéo dài một khoảng thời gian nhất định với biểu hiện tương tự nhau. Nôn chu kỳ thường xuất hiện vào buổi sáng với 4 giai đoạn riêng biệt: Giai đoạn tiền triệu với cảm giác buồn nôn, vã mồ hôi vài giờ. Giai đoạn nôn diễn ra tiếp sau với những đợt nôn dữ dội, thường sau ăn hoặc uống nước. Giai đoạn hồi phục diễn ra khi cơ thể cảm thấy giảm cảm giác buồn nôn và số lần nôn. Cuối cùng là giai đoạn ổn định, người bệnh cảm thấy hoàn toàn bình thường trước khi bước vào chu kỳ tiếp theo. Bên cạnh biểu hiện nôn và buồn nôn, người bệnh có thể cảm thấy đau bụng, sốt, tiêu chảy, chóng mặt. Hệ quả của bệnh gây ra rối loạn nước và điện giải nghiêm trọng, tạo thành vòng xoắn bệnh lý, khiến người bệnh khó kiểm soát nôn dù được dùng thuốc. Không có quá nhiều triệu chứng song biểu hiện rầm rộ của bệnh gây ra khó khăn cho việc chẩn đoán và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý gây nôn khác, đặc biệt trong những chu kỳ đầu tiên. Điều trị bằng thuốc trong các chu kỳ nôn. Sau khi chẩn đoán được bệnh, bác sĩ có thể sử dụng các nhóm thuốc chống đau đầu Migraines, thuốc chống nôn hoặc một số thuốc chống động kinh để kiểm soát tình trạng nôn. Thuốc Carnitine và Coenzyme Q10 được bổ sung từ liều thấp vừa đáp ứng lâm sàng vừa có thể giảm tác dụng không mong muốn. Điều trị dự phòng bằng cách hạn chế những suy nghĩ tiêu cực, stress tâm lý. Chơi thể thao ở mức vừa phải, tránh gắng sức. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng và chất xơ. Không nên ăn quá no trước khi ngủ; duy trì giấc ngủ điều độ. Nôn chu kỳ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống cũng như gây ra những biến chứng nặng nề như rối loạn nước và điện giải, tổn thương cơ thắt tâm vị... Để đảm bảo an toàn, ngay khi có những biểu hiện đầu tiên, nên tới bệnh viện để chẩn đoán và điều trị theo đúng phác đồ. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress