TP HCMNgười phụ nữ 50 tuổi không thể ngồi vì búi trĩ sưng to, phải đứng lom khom sau thời gian dài ngại đến bệnh viện khám. Ngày 1/5, PGS.TS.BS Dương Văn Hải, Trưởng đơn vị Hậu môn Trực tràng, Bệnh viện Bình Dân, cho biết búi trĩ của bệnh nhân sa ra ngoài, to như bông cải, đã tắc mạch một phần, nguy cơ hoại tử nếu không mổ xử lý kịp thời. Nhiều năm nay, bệnh nhân thường táo bón, đi tiêu ra máu. Thỉnh thoảng, trĩ sa ra ngoài, bà dùng tay đẩy trở lại. "Bất tiện nhưng tôi vẫn chịu đựng được nên ngại đi khám", bệnh nhân nói. Sau mổ cắt trĩ, bệnh nhân được bác sĩ khuyên điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để tránh nguy cơ tái phát. Nếu điều trị giai đoạn sớm, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc, thay đổi lối sống, không phải mổ. "Bệnh ở nơi nhạy cảm, tế nhị nên rất nhiều người ngại đi khám, đến lúc nặng mới vào viện, bỏ lỡ cơ hội trị khỏi bằng thuốc", phó giáo sư Hải nói. Thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Bình Dân, khoảng 3/4 số người bệnh đến khám khi trĩ đã diễn biến nặng, búi trĩ sa ra ngoài không thu vào được, phải dùng tay đẩy vào hậu môn (độ 3) hoặc búi trĩ sa hẳn ra ngoài (độ 4), nhiều trường hợp bị nhiễm trùng. PGS Hải khám cho bệnh nhân mắc bệnh trĩ tại Bệnh viện Bình Dân. Ảnh: Trần Nhung Trĩ là căn bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống của người bệnh và là nguyên nhân hàng đầu gây chảy máu từ đường tiêu hóa dưới. Bệnh xuất hiện do sự giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch vùng hậu môn, trực tràng, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và lao động người bệnh. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh trĩ là chảy máu ở vùng hậu môn. Đây cũng là triệu chứng khiến bệnh nhân sợ hãi và đi khám. Máu đỏ thường đi theo sau phân khi người bệnh đi đại tiện, lâu ngày sẽ gây thiếu máu. Có trường hợp, bệnh nhân đến viện trong tình trạng thiếu máu nặng và phải truyền máu trước rồi mới phẫu thuật trĩ. Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng bao gồm sa búi trĩ, ngứa hậu môn, đau hậu môn. Đây thường là lúc búi trĩ đã có nhiễm trùng. Đa số trường hợp, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc trong khoảng 6-8 tuần, sau đó tái khám. Bác sĩ sẽ đánh giá tiếp tục điều trị thuốc hay phải điều trị phẫu thuật. Người bệnh có biến chứng đau, chảy máu, nhiễm trùng, thậm chí phải cấp cứu, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Trĩ ở giai đoạn hơi trễ, bệnh nhân có thể dùng các phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn như phẫu thuật Longo hoặc tạo hình mô trĩ bằng laser. Trong đó, tạo hình mô trĩ bằng laser được Bệnh viện Bình Dân triển khai từ năm 2016, tỷ lệ hẹp hậu môn và tái phát sau phẫu thuật thấp hơn, lượng máu mất trong mổ ít hơn. Người bệnh có thể về nhà sau mổ một ngày, trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau 3-5 ngày. Giai đoạn quá muộn, bác sĩ mổ mở theo phương pháp kinh điển, bệnh nhân chịu đau đớn kéo dài khoảng 6-8 tuần sau mổ, dễ chảy máu, nguy cơ biến chứng rất cao. Mới đây, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân do mổ trễ đã biến chứng hẹp hậu môn. Sau hai lần phẫu thuật vẫn tái hẹp, bác sĩ phải hướng dẫn người nhà phối hợp nong hậu môn hàng ngày để bệnh nhân có thể đi tiêu. "Mỗi lần nong hậu môn là một lần ám ảnh", bệnh nhân nói, thêm rằng hối tiếc vì đã không đi điều trị sớm, lúc bệnh còn nhẹ. Theo phó giáo sư Hải, các phẫu thuật điều trị trĩ phải được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm, sử dụng các dụng cụ phẫu thuật hay nguồn nhiệt thuần thục. Điều này giúp bệnh nhân được loại bỏ các búi trĩ nhưng vẫn đảm bảo chức năng các mô trĩ ở vùng hậu môn. Nếu không, người bệnh có nguy cơ thủng, rò hậu môn, tạo sẹo co rút, ảnh hưởng chức năng tự chủ hậu môn. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần thay đổi lối sống, tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh, ăn nhiều chất xơ, uống ít nhất 2,5 lít nước mỗi ngày, duy trì trọng lượng phù hợp, không ngồi nhiều, điều trị bệnh lý nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Chú ý hoạt động thể lực, chẳng hạn mỗi ngày đi bộ nhanh 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress